Sửa cầu Thăng Long có phải nhiệm vụ vượt quá khả năng của các tiến sỹ, giáo sư nước ta? (ảnh: IT)
Chuyên gia trong nước nói gì?
Trao đổi với Dân Việt về phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể liên quan tới việc sửa mặt cầu Thăng Long, ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết: “Do tôi không được dự cuộc họp này nên không biết Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu trong bối cảnh và không khí cuộc họp thế nào nên tôi từ chối không bình luận”.
Ông Long cũng cho biết, với cá nhân ông, “cả cuộc đời làm việc và làm chuyên môn tôi không có tự ái và không bao giờ tự ái trong nghề nghiệp. Nếu người ta bảo mình kém thì mình phải suy nghĩ xem có kém thật không. Đó là quan điểm nghề nghiệp của tôi, tự trọng trong nghề nghiệp khác với tự ái nghề nghiệp. Niềm đam mê nó thúc đẩy nghề nghiệp phát triển không phải tự ái”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, liên quan tới việc sửa cầu Thăng Long, với sự phát triển của công nghệ, vật liệu, thiết bị…thì việc làm thế nào để áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của các nước hiện này là cần thiết và hoàn toàn có thể nhập khẩu cả công nghệ và thiết bị. Miễn là các công nghệ, thiết bị của các nước tốt, mặt cầu tuổi thọ có thể kéo dài tới 15 đến 17 năm và thậm chí có công nghệ kéo dài hơn nữa với giá thành hợp lý.
Cũng theo ông Long, quá trình sửa chữa này thực tế diễn ra từ 2007, đến nay là hơn 10 năm. Lúc đầu cũng có sữa chữa của chính phía trong nước và mời nhà thầu có những loại nguyên vật liệu đặc chủng. Tuy nhiên, năm 2007 và 2008 không thành công. Sau đó phía Việt Nam sử dụng vốn dư từ đường trên cao vành đai 3 Mai Dịch - Pháp Vân và đặt vấn đề với phía JICA của Nhật Bản sử dụng nguồn vốn dư thừa này để sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Do đó, ông Long cho rằng cần rà soát lại toàn bộ dự án đó và xem tư vấn của tổ chức mà JICA lựa chọn đã làm được gì, tốn bao nhiêu thời gian và kinh phí... Sau đó, nếu có thẩm định lại với kết quả tư vấn tốt thì phải làm việc với họ. Trường hợp tư vấn của họ thấy chưa yên tâm thì mời tư vấn, nhà thầu nước ngoài khác nếu được nhưng phải tuân thủ nguyên tắc là đảm bảo đưa vào công nghệ tiên tiến nhất bao gồm cả kinh tế kỹ thuật.
Trước đó, trả lời báo chí về việc mời chuyên gia của Nga, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học xây dựng Hà Nội cho biết: Công trình cầu Thăng Long được nhà thầu Nga thi công cách đây hơn 30 năm, trong suốt quá trình trên không xảy ra hỏng hóc, chứng tỏ chất lượng công trình rất tốt. Thế nhưng, từ khi Bộ GTVT sửa lại mặt cầu đưa vật liệu mới vào, mới xảy ra nhiều sự xuống cấp. Chứng tỏ trình độ thi công của chúng ta còn kém, không nắm được kỹ thuật nên mời chuyên gia Nga là hoàn toàn đúng. Khi Bộ GTVT không thành công đáng lẽ phải mời từ lâu, giờ là hơi muộn.
Bộ GTVT cho biết sẽ mời chuyên gia Nga tư vấn trong đợt sửa cầu Thăng Long tới đây (Ảnh: IT)
Phải bền vững 10 năm trở lên
Yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp với các các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT, Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Trường Đại học GTVT… mới đây là phải đảm bảo bền vững 10 năm trở lên.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ tổ chức đoàn chuyên gia khảo sát tình hình thực tế.
“Hiện Tổng cục Đường bộ VN đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ. Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mặt cầu” - ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Theo ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, bản mặt cầu Thăng Long là dạng bằng kết cấu thép, tính chất mỏng, độ rung động và biến dạng rất lớn, cần phải có giải pháp sửa chữa, tăng cường xử lý vết nứt, sử dụng chất dính đặc biệt. Bởi cầu Thăng Long là công trình lớn, đã trên 30 năm, theo nguyên tắc cầu lớn như vậy phải có dự án tổng thể để đại tu, chứ không chỉ sửa chữa riêng phần mặt cầu.
Còn theo TS. Tô Giang Lam - Trường Đại học GTVT, với các hư hỏng hiện tại, nếu không có giải pháp tổng thể thì hàng năm việc duy tu bảo dưỡng cầu Thăng Long rất khó khăn; mặt khác nếu sửa chữa khi hư hỏng nhưng không lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp sẽ khó đảm bảo chất lượng, tuổi thọ và độ bền; đồng thời không bảo vệ được phần kết cấu bản mặt cầu dưới tác dụng của xâm thực và giảm ảnh hưởng của tải trọng lặp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, hiện nay, các cầu lớn của Việt Nam chưa có hệ thống theo dõi, chưa có định mức đơn giá cho việc phân bổ, sửa chữa thường xuyên cũng như định kỳ, nên rất rủi ro, bị động trong công tác xử lý sự cố.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đề xuất, phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long của các cơ quan, đơn vị, của các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để đưa ra giải pháp căn cơ, triệt để, bền vững, ít nhất phải 10 năm trở lên, đảm bảo giao thông êm thuận và an toàn cho người dân.