Dân Việt

Trồng rau sạch, nấm theo chuỗi, doanh nghiệp người mua đều mê

Văn Thương 09/09/2018 14:20 GMT+7
Nhờ sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình trồng rau sạch, nấm an toàn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được hình thành, đem lại việc làm, thu nhập cao cho nông dân, doanh nghiệp (DN). Với ưu điểm vượt trội, những mô hình này ngày càng được nhân rộng, trở thành xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả từ chuỗi liên kết

Đến thăm khu sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cánh đồng rau, quả xanh hút tầm mắt. Một cán bộ HTX cho biết, đơn vị đang thuê khoảng 32 ha đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn trong 10 năm để trồng rau sạch, an toàn.

Không chỉ trả tiền thuê đất hằng năm, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và trực tiếp chăm sóc rau, quả, sơ chế, đóng gói, bán sản phẩm ra thị trường, mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

img

Người lao động chăm sóc rau, quả tại HTX Rau sạch Yên Dũng.

Đơn vị còn đầu tư nhà lưới, trồng các loại rau ăn lá, dưa lê, dưa lưới chất lượng cao. Đồng thời, ký hợp đồng cung cấp rau, quả sạch, an toàn cho nhiều tại các khu, cụm công nghiệp. Từ ngày 9-8 đến nay, HTX đã ký hợp đồng, cung cấp 20 loại sản phẩm rau, quả cho thương hiệu nông sản an toàn Tvita của Tập đoàn T&T (Hà Nội).

Tương tự, từ năm 2016 đến nay, Công ty cổ phần Công nghệ cao Bách khoa Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với người dân và DN khác. Theo đó, Công ty ký hợp đồng thuê hơn 20 mẫu ruộng của 140 hộ dân tại các tổ Mai Đình, Mai Sẫu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) trồng rau an toàn cung cấp cho hệ thống các cửa hàng rau sạch của Công ty cổ phần thực phẩm Safelife (Hà Nội).

Ông Lương Cao Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, chuỗi liên kết đang đi đúng hướng, giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định. DN tổ chức sản xuất tập trung, bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm và doanh thu. Vụ mùa năm trước, ngoài 20 mẫu ruộng đã thuê lâu dài, Công ty còn mượn hơn 70 mẫu của các hộ trong vùng trồng khoai tây, rau màu. Sau đó, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật, làm công cho DN với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng trên chính mảnh đất của mình.

Ngoài các đơn vị trên, toàn tỉnh còn có nhiều DN khác xây dựng mô hình trồng rau, nấm sạch theo hướng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Các mô hình đã góp phần tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp; giúp HTX, DN xây dựng, khẳng định thương hiệu, tạo thu nhập ổn định.

Tiếp tục nhân rộng

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo ra một số sản phẩm đặc trưng như: Lúa chất lượng với hơn 26 nghìn ha, sản lượng từ 160 đến 200 nghìn tấn/năm; diện tích cây rau đậu hằng năm đạt 24 nghìn ha, sản lượng khoảng 380 nghìn tấn...

Tuy vậy, mới chỉ có 4,5 nghìn ha rau trồng theo hướng an toàn, sản lượng khoảng 85 nghìn tấn/năm. Đa phần sản phẩm vẫn được bán lẻ trên thị trường như những loại rau thông thường, chưa có bao bì ghi rõ xuất xứ. Thậm chí, nhiều thời điểm việc tiêu thụ rau sạch, an toàn còn gặp khó do giá bán cao, người tiêu dùng chưa mặn mà, nghi ngờ chất lượng...

Bên cạnh đó, nghề trồng nấm đã được nhân rộng tại 40 xã, 600 hộ trong tỉnh tham gia sản xuất nhưng chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Số ít cơ sở đã đầu tư trang trại, gia trại nhưng sản phẩm khó xây dựng thương hiệu.

Nhằm giúp các HTX, DN xây dựng, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, từ năm 2017 đến nay, Sở Công Thương hỗ trợ một số đơn vị xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “Các đơn vị tham gia mô hình sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng website quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử. Hỗ trợ mua thiết bị, máy móc đóng gói, in nhãn mác, bao bì sản phẩm. Sở giữ vai trò kết nối các cơ sở sản xuất với thương nhân, DN, chợ đầu mối; tạo điều kiện cho HTX, DN trong tỉnh tập huấn kiến thức; tham gia hội chợ, triển lãm, tham quan học hỏi để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Mục tiêu lớn nhất của việc hỗ trợ là xây dựng các mô hình điểm về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, mỗi khâu, thành phần trong chuỗi đều có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, tạo nên sản phẩm sạch, an toàn; khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng.

Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình liên kết đã phát huy hiệu quả. Một số loại rau, quả, nấm của tỉnh đã được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn ở Hà Nội. Sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trong chuỗi giúp môi trường được cải thiện đáng kể; sức khỏe người dân được bảo đảm. Từ kết quả này, các mô hình trên sẽ được Sở Công Thương tuyên truyền, nhân rộng trong thời gian tới.

Các đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đợt này gồm: HTX Rau sạch Yên Dũng, Công ty cổ phần Công nghệ cao Bách khoa Hà Nội, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương (Việt Yên); HTX Nông nghiệp và Phát triển đa ngành Hưng Vượng và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến (Lạng Giang).