Dân Việt

Khoản tiền tiết kiệm của hai ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Huyền Anh (tổng hợp) 09/09/2018 10:53 GMT+7
Sau khi thu lợi bất chính từ tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, hai ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã chia thành nhiều “giỏ” như đầu tư bất động sản, mua cổ phần ở UDIC và gửi tiết kiệm ở ngân hàng để rửa tiền và kiếm lời.

Theo nguồn tin từ báo Công an nhân dân, Viện KSND tỉnh Phú Thọ vừa có cáo trạng truy tố 92 bị can trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu. 

img

Hai ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương 

Theo tài liệu điều tra vụ án "Tổ chức đánh bạc", "Đánh bạc", "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "Mua bán trái phép hóa đơn", "Rửa tiền" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cùng các đồng phạm thực hiện đã thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng. Trong đó Phan Sào Nam hưởng lợi hơn 1.400 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.600 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng đã thu giữ, phong tỏa hơn 1.000 tỷ đồng của Phan Sào Nam.

Tài sản “kếch xù” của 2 ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Liên quan đến khoản tiền của "ông trùm" Phan Sào Nam, cơ quan điều tra cho biết các khoản gửi tiết kiệm gần 700 tỷ đồng; đầu tư vào 4 doanh nghiệp 92 tỷ đồng; đứng tên mua 15 căn hộ khoảng 150 tỷ đồng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không khó khăn gì khi áp dụng các biện pháp kê biên, thu hồi tài sản.

Tuy nhiên, còn có một số khoản tiền lớn nữa, như khoản 3,5 triệu USD gửi tại một ngân hàng ở Singapore; và vàng, USD trị giá gần 700 tỷ đồng mà Phan Sào Nam khai chuyển cho các bị can Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung, Kê Văn Kiên cất giữ, song do các bị can này đang bỏ trốn nên chưa có điều kiện xác minh làm rõ. 

Riêng số tiền 3,5 triệu USD gửi tại một ngân hàng ở Singapore, được biết Bộ Công an đã phối hợp với VKSND Tối cao thành lập một tổ chuyên án cùng với Cảnh sát quốc tế Interpol và phối hợp với cơ quan chức năng sở tại để thu hồi khoản tiền lớn do phạm tội mà có này.

img

Ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam 

Trong khi đó với "ông trùm" Nguyễn Văn Dương, theo nguồn tin của báo Tiền phong, cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên nhiều tài sản gồm 6 điện thoại, trong đó có 1 chiếc Vertu, 3 iPhone; tiền mặt hơn 70 tỷ đồng, 1.327 USD, 32.000 RUP, phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng, 2 sổ tiết kiệm tổng giá trị hơn 150 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng tạm giữ 4 ô tô hạng sang của ông trùm Nguyễn Văn Dương gồm: Mecedes Benz S500, Audi A8, Landcruiser và Lexus LX570.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, với hệ thống 25 đại lý cấp 1 và gần 5.900 đại lý cấp 2 chuyên cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Đường dây đánh bạc của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến. Theo đó, tổng số tiền mà đường dây đánh bạc này thu lời bất chính qua hoạt động nạp tiền, thẻ cào là hơn 9.800 tỷ đồng, trong tổng số tiền này, 3 nhà mạng được hưởng lợi 1.232 tỷ đồng. Cụ thể, Viettel hưởng lợi hơn 900 tỷ đồng, Mobiphone hưởng lợi hơn 170 tỷ đồng và Vinaphone hưởng lợi gần 148 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác định tổng số tiền phải truy thu của 3 nhà mạng là hơn 372 tỷ đồng (sau khi đã giảm trừ các khoản thuế đã nộp, chiết khấu thẻ cào ...). Viettel bị truy thu hơn 274 tỷ đồng, số tiền này đối với Vinaphone là 60 tỷ và với Mobifone là hơn 38 tỷ đồng...

Ngoài ra, cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ còn liệt kê khá nhiều doanh nghiệp ăn theo và hưởng lợi từ mạng cờ bạc bất hợp pháp này, trong đó có nhiều công ty trung gian, 33 ngân hàng, công ty ngân lượng... Các doanh nghiệp và đơn vị liên quan cũng sẽ bị thu hồi số tiền hưởng lợi bất hợp pháp từ đường dây cờ bạc của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.

Rửa tiền “bẩn” qua BOT và đầu tư BĐS

Năm 2015, sau khi có được một số tiền nhỏ do thu lời bất chính từ đường dây đánh bạc, Dương đã chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC, trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội (thành lập năm 2010) do mình làm giám đốc, góp 56,25% vốn điều lệ.

Với mục đích đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia vào dự thầu Dự án đường cáo tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Theo đó, từ vốn điều lệ 45 tỷ đồng ban đầu, Công ty UDIC đã tăng vốn lên 500 tỷ đồng, trong đó Dương cam kết góp 85,05%. Đến năm 2016, vốn điều lệ của UDIC đã lên đến hơn 925 tỷ đồng, trong đó Dương cam kết góp 99,6%.

img

Ông trùm đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương tại cơ quan điều tra

Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty UDIC đã góp vốn vào CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn hơn 329 tỷ đồng.

Sau khi chỉ đạo Hà chuyển tiền góp vốn vào UDIC, Dương liền mượn tên người khác mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị góp vốn vào UDIC.

Đồng thời, khi có được số tiền ăn chia từ đường dây đánh bạc, Dương tiếp tục chỉ đạo Hà và các nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền này thành tiền sạch.

Tháng 4.2017, Nguyễn Văn Dương tách CTCP đầu tư UDIC thành 2 công ty khác và bán số cổ phần đang sở hữu tại Công ty UDIC đồng thời chuyển giao dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tuy nhiên, khoảng 33 triệu cổ phần có giá trị thực ở Công ty UDIC được Dương bán ra cho CTCP Tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, tương đương 329 tỷ đồng. Hơn 44 triệu cổ phần không có giá trị thực được hợp thức hóa khi chuyển nhượng với các công ty khác.

Cơ quan công tố cho biết, các khoản tiền được Nguyễn Văn Dương đầu tư thực chất là hoạt động rửa tiền đánh bạc. Với thủ đoạn này, nếu chỉ nhìn trên sổ sách sẽ cho thấy việc của “ông trùm” góp vốn vào Công ty UDIC được hình thành trước khi có nguồn thu từ đường dây này.

Số tiền đã “được rửa” được Dương sử dụng để mua tầng 5, 6 tòa nhà Icon 4 ở quận Đống Đa, Hà Nội làm trụ sở Công ty CNC và gửi sổ tiết kiệm 150 tỷ đồng.

Không hợp thức hóa nguồn tiền bằng thủ đoạn tinh vi như Nguyễn Văn Dương, sau khi thu lợi bất chính từ việc tổ chức đánh bạc trên mạng internet, Phan Sào Nam liền nhờ Phan Thu Hương là dì ruột của mình cho chuyển vào tài khoản nhờ cất giữ.

Tổng số tiền được chuyển vào tài khoản của Hương lên đến trên 236 tỷ đồng, được Hương sử dụng để gửi tiết kiệm ngắn hạn và mua vàng, USD kinh doanh kiếm lời.

Tháng 11.2016, Hương sử dụng một phần số tiền này và tiền của mình mua 5 căn hộ tại TP. HCM và nhờ Phí Quang Hưng (bạn của Nam) đứng tên. Đồng thời, mua một thửa đất rộng gần 1.000m2 tại đường Lê Quý Đôn thuộc Q.7, TP. HCM.

Toàn bộ hành vi trên của Hương khi được cơ quan điều tra phát hiện được khai do tiền trả nợ từ trước đó của Nam nhưng không có căn cứ. Sau đó, Hương đã thú nhận mình che dấu cho Phan Sào Nam và giải thích vì không muốn cháu vướng vòng lao lý.