Nhà máy xi măng Yến Mao với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng được khởi công từ năm 2003 đến nay đã 15 năm vẫn “bỏ hoang”. Ảnh Thu Hường
Nhà máy xi măng Yến Mao thuộc địa bàn xã Yến Mao, được khởi công từ năm 2003, tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, do liên danh Công ty phát triển Hùng Vương, Nhà máy Xi măng Hữu nghị I và Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 1 triệu tấn xi măng/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2008.
Sau gần 10 năm tính từ thời điểm dự kiến đi vào hoạt động, nhà máy xi măng Yến Mao vẫn chỉ là những công trình dang dở, nếu không để ý kỹ vào biển tên của nhà máy thì có lẽ nhiều người sẽ tưởng đây là một nhà máy chế biến gỗ.
Nhìn từ bên ngoài, Nhà máy xi măng Yến Mao chẳng khác gì một nhà máy gỗ. Ảnh Thu Hường
Chẳng có những tháp, lò cao vút, hoành tráng như những nhà máy xi măng khác, nhìn từ bên ngoài, Nhà máy xi măng Yến Mao chỉ có vài khung nhà xưởng lợp tôn, trên sân bê tông phơi đầy ván gỗ.
Người dân sống cạnh nhà máy xi măng bức xúc cho biết trước đây, 20ha diện tích đất làm nhà máy là những đồi chè, cây lâm nghiệp của người dân trong xã vẫn canh tác bất ngờ có dự án xây dựng nhà máy xi măng. Chủ đầu tư hứa hẹn với người dân trong xã đây sẽ là cơ hội tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống khiến ai cũng hồ hời, đồng thuận và giao đất cho kịp tiến độ.
Nhưng chẳng ai ngờ, sau 15 năm dự án màu mỡ lại trở thành nơi bỏ hoang, không lò cao vút, hoành tráng như 3 nhà máy xi măng còn lại trên địa bàn tỉnh.
Do nhà máy không hoạt động, người dân địa phương tận dụng khoảng đất trong xung quanh nhà máy trồng đu đủ kiếm thêm thu nhập. Ảnh Thu Hường
Không những không đóng góp được chút ngân sách nào cho địa phương, những năm qua, đất đá từ khu vực nhà máy theo nước mưa đã xô xuống ruộng, ao hồ của người dân.
Theo quan sát của PV, phía bên ngoài cổng có lẽ do nhà máy bỏ hoang đã lâu nên người dân xung quanh đã tận dụng trồng cây đủ đủ kiếm thêm thu nhập, cỏ mọc um tùm khiến nơi đây trở nên hoang vu, tiêu điều.
Bên trong các nhà xưởng rộng thênh thang, chưa có thiết bị gì được lắp đặt. Nền đất trống chỉ có một ít vật liệu xây dựng còn sót lại sau khi làm nhà xưởng. Do đã nhiều năm không chăm sóc, bảo dưỡng, nhà xưởng làm bằng thép, tôn nhiều chỗ đã tróc sơn, hoen gỉ.
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Yến Mao (Thanh Thủy) cho biết: “Thời điểm khi công ty về làm dự án, chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong xã rất ủng hộ, luôn sẵn sàng giao đất cho công ty xây dựng nhà máy xi măng Yến Mao. Tuy nhiên, nhà máy chẳng những đi vào hoạt động như những gì đã hứa mà còn bỏ hoang quỹ đất 15 năm nay. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên UBND huyện Thanh Thủy và UBND tỉnh Phú Thọ nhiều lần, đây là dự án của UBND tỉnh phê duyệt”.
Các hạng mục dang dở, hoen gỉ sau nhiều năm bị bỏ hoang. Ảnh Thu Hường
Vừa qua nhà máy cũng về cam kết đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Do đó, đến 2020 nhà máy không thực hiện đúng cam kết UBND xã sẽ có những động thái yêu cầu phải trả lại đất cho địa phương”, ông Hùng thông tin.
Trước đó, ngày 28.8.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, trong đó chỉ đạo hoãn triển khai Dự án Nhà máy xi măng Yến Mao.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng việc sản xuất của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng đưa dự án Nhà máy xi măng Yến Mao ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.