Grab mới đây đã mua lại 3,523% cổ phần Moca, ứng dụng thanh toán di động, từ Access Venture Capital, theo nguồn tin từ DealstreetAsia. Theo tính toán, Grab phải bỏ ít nhất 2,87 tỷ đồng để mua lại toàn bộ số cổ phần trên từ Access Venture Capital.
Bước chân vào lĩnh vực thanh toán
Ngay sau khi hoàn tất thương vụ, HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca đã bổ sung thêm ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Lim Yen Hock từ ngày 22.5.
Được biết, ông Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1982, địa chỉ ở Phường Tân Phú, quận 7, Tp.HCM giữ chức vụ thành viên HĐQT Moca. Ông Lim Yen Hock, sinh năm 1979, quốc tịch Singapore giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị Moca.
Ông Nguyễn Tuấn Anh hiện là Chủ tịch Công ty TNHH Grab Việt Nam, còn ông Lim Yen Hock giữ chức vụ Giám đốc Công ty TNHH Grab Việt Nam.
Việc mua cổ phần của Moca giúp Grab thực hiện tham vọng trở thành ngân hàng đại lý và thống lĩnh thị phần vận tải đa phương tiện
Được biết, công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, thành lập vào ngày tháng 8.2013, hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Bước chân thành công vào Moca là động thái nhằm tăng cường hóa lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số trong khu vực của Grab.
Trước đó, tháng 1.2018, Grab đã mua lại công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán iKaaz có trụ sở đặt tại Bangalore (Ấn Độ). Nền tảng thanh toán di động với nhiều tính năng phong phú của iKaaz, kết hợp cùng đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, sẽ thúc đẩy việc phát triển các tính năng và gia tăng khả năng tích hợp trên GrabPay, nền tảng thanh toán di động của Grab.
Được thành lập vào năm 2014, công nghệ của iKaaz được xây dựng để hoạt động trong điều kiện hệ thống internet đầy thách thức của Ấn Độ, giúp việc thanh toán của hàng nghìn doanh nghiệp trở thành nhanh chóng và liền mạch hơn.
Hiện đang là nền tảng đặt xe công nghệ số 1 Đông Nam Á, Grab đang tiếp tục mở rộng hoạt động đến tất cả các thị trường Đông Nam Á vào năm 2018 với mục tiêu trở thành nền tảng thanh toán di động phổ biến trong khu vực.
Từ thâu tóm thị phần vận tải đến ngân hàng đại lý
Trong diễn biến liên quan đến Grab, mới đây, bà Hooi Ling Tan, nhà đồng sáng lập Grab đã từng công bố kế hoạch doanh thu sẽ tăng gấp đôi lên mức 2 tỷ USD vào năm 2019, nhờ thương vụ mua lại hoạt động ở Đông Nam Á của đối thủ Uber và tiến sâu hơn vào những lĩnh vực kinh doanh mới, từ chia sẻ xe đạp tới thanh toán trực tuyến, giao hàng thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, Grab dự kiến huy được số vốn tổng cộng 3 tỷ USD trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, Grab đã được rót 2 tỷ USD, trong đó bao gồm 1 tỷ USD từ hãng xe Nhật Bản Toyota. Như vậy, startup này dự định huy động thêm 1 tỷ USD nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Trước đó vào đầu năm 2018, Grab tiết lộ kế hoạch tham gia vào lĩnh vực dịch vụ tài chính để mở rộng hoạt động. Từ cốt lõi là nền tảng đặt xe, hoạt động của Grab hiện mở rộng sang mảng dịch vụ giao nhận hàng. Tại Đông Nam Á, Grab Financial cũng trở thành nền tảng thanh toán di động có số lượng giao dịch tăng nhanh thời gian qua.
Tuy vậy, không dễ dàng để có thể được cấp phép cung ứng hoạt động trung gian thanh toán tại Việt Nam. Ngoài điều kiện về vốn (tối thiểu 50 tỷ đồng), một trung gian thanh toán còn cần đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp. Đồng thời, trung gian thanh toán còn cần có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt hay người đại diện theo pháp luật có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách,...
Mua cổ phần tại một trung gian thanh toán đã được cấp giấy phép nhiều khả năng sẽ là con đường dễ dàng hơn cho Grab để tham gia vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ tài chính này tại Việt Nam.
Giới chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, việc sở hữu trên 3,5% cổ phần Moca chính là chiến lược rất dài hạn và bài bản của Grab trong “tham vọng” kiếm tiền thông qua lĩnh vực thanh toán. Nhiều khả năng “tham vọng” của Grab còn lớn hơn những gì thị trường nhìn thấy. Tất cả đều có thể xảy ra và tất cả các khả năng đều thú vị.
Thực ra tham gia vào hệ thống thanh toán là một phần đầu tiên của câu chuyện, các phần về sau sẽ liên quan tới huy động vốn, cho vay khi điều kiện cho phép. Được biết là Việt Nam đang chuẩn bị dự thảo về ngân hàng đại lý, như vậy thì cơ hội Grab thực hiện “tham vọng” (nếu có) sẽ là rất hứa hẹn.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá việc Grab bước chân vào lĩnh vực thanh toán sẽ giúp cho Grab thu được nguồn lợi nhuận “khổng lồ”.
“Một khi Grab nhảy vào lĩnh vực thanh toán, Grab sẽ được cung cấp cả cùng 1 lúc 2 loại hình đó là giao thông và thanh toán. Trong khi đó, mạng lưới, đối tác của Moca cũng đã có độ lớn nhất định và cũng có những đối tác lớn từ là các ngân hàng thì rõ ràng lợi thu về sẽ lớn.
Trong ngắn hạn, Grab có thể trở thành công ty đại lý cho ngân hàng nào đó về thanh toán chẳng hạn. Còn muốn trở thành “Ngân hàng đai lý” thì còn phải rất nhiều thời gian và cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện và yếu tố như nguồn lực, chính sách…” ông Hiếu phân tích.