Dân Việt

Hòa giải Mỹ- Triều Tiên, đến lúc Nga và Trung Quốc phải cứu?

Lư Phổ Ân 10/09/2018 10:34 GMT+7
Vào thời điểm tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có nguy cơ bị chững lại và thậm chí cả bị thụt lùi thì có được nhiều diễn biến mới từ các bên liên quan với mục đích và có tác động giúp giải cứu tiến trình này.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un gặp nhau hồi tháng 6 tại Singapore. Ảnh Reuters

Cụ thể là thúc đẩy việc cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như duy trì quá trình hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nhờ hai cuộc gặp giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong tháng 4 và tháng 6 năm nay, mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện rõ rệt so với trước. Cho dù đáng khích lệ và có ý nghĩa tích cực đến mấy, những kết quả mới đạt được ấy vẫn chỉ là lẻ tẻ chứ chưa có được ý nghĩa cơ bản và tác động đưa đến bước chuyển giai đoạn thực thụ. Tức là những chuyện cốt lõi nhất và quyết định nhất vẫn hoàn toàn chưa được xử lý.

Giữa Mỹ và Triều Tiên từ đầu năm đến nay và đặc biệt từ sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi giữa tháng 6 vừa qua không còn căng thẳng và đối địch như trước, nhưng rõ ràng là cái hào khí có được ở Singapore đã nguội lắng đi khá nhiều, thất vọng ở cả hai phía đã lại lấp ló và nguy cơ tiến trình bị đảo ngược đã ẩn hiện.

Soi vào bối cảnh tình hình ấy mới thấy được ý nghĩa quan trọng và tác động thực tế to lớn của những động thái mới liên quan. Triều Tiên  và Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến thăm Triều Tiên của ông Moon Jae-in bắt đầu từ ngày 18.9 tới. Ông Moon Jae-in sẽ hội đàm với ông Kim Jong-un ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Ông Trump cho biết đang chờ đợi bức thư mới của ông Kim Jong-un và không dấu diếm tâm trạng hài lòng về việc ông Kim Jong-un công khai thể hiện sự tin cậy và ý muốn giải quyết dứt điểm việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên trong thời gian nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Trump ở Mỹ, tức là cho tới ngày 21.1.2021.

Phía Triều Tiên còn cho biết ông Kim Jong-un đã nhận lời mời của tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Nga trong thời gian tới. Ông Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại sắp gặp nhau. Trên chương trình nghị sự của họ đương nhiên không thể thiếu nội dung liên quan đến chuyện hoà bình và hoà giải trên bán đảo Triều Tiên và liên quan đến Triều Tiên.

Phía Triều Tiên đã có những bước đi ngoại giao khôn khéo để tranh thủ cá nhân ông Trump và khích lệ người này kiên định quyết tâm và định hướng hoà giải với Triều Tiên. Rõ ràng là ông Kim Jong-un cho rằng nếu muốn thì phải xử lý chuyện hoà giải với Mỹ chừng nào ông Trump còn cầm quyền ở Mỹ bởi với người khác trên cương vị tổng thống Mỹ, bất kể thuộc Đảng Cộng hoà như ông Trump hay thuộc Đảng Dân chủ, đều sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nếu như không muốn nói là không thể khả thi.

Đồng thời, quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc càng được cải thiện thì tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên càng khó có thể bị đảo ngược, cho dù có thể tiến triển chậm. Điều mấu chốt nhất, quyết định nhất và cũng được Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga quan tâm nhiều nhất - cũng còn quan trọng nhất đối với ông Trump - là việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, chấm dứt tình trạng chiến tranh và ký kết hiệp ước hoà bình giữa các bên liên quan. Cũng chính vì thế mà ông Kim Jong-un lần đầu tiên đưa ra khung thời gian cụ thể cho việc thực hiện phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, để tranh thủ ông Trump và góp phần giúp ông Trump bớt khó khăn và khó xử về đối nội, để khích lệ Hàn Quốc và để trấn an Trung Quốc và Nga.

Những động thái mới có tác động giải cứu tiến trình hoà bình và hoà giải bởi hiện tại tiến trình này rất cần có được sự thúc đẩy và củng cố để nền tảng được vững vàng hơn, định hướng được duy trì và việc đạt kết quả cụ thể mới trong thời gian tới khả thi.