Theo thông tin của Bộ NN&PTNT, ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Chưa đầy 1 tháng sau, dịch đã phát sinh và lây lan rộng ra 4 ổ dịch tại Trung Quốc với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con.
Trước đó, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (gồm: Trung Quốc, Nga, Ba Lan, CH Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo có Dịch tả lợn Châu Phi.
Dịch tả lợn Châu Phi có thể xâm nhiễm vi rút ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Ảnh: Nguyễn Quý.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm mới nổi, nguy hiểm do vi rút gây ra và chưa có vaccine, thuốc đặc hiệu trị bệnh. Bệnh lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao 100% đối với lợn nhiễm bệnh. Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời.
Đáng lưu ý, dịch tả lợn châu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua việc vận chuyển, lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ninh - nơi có đường biên giới trải dài giáp với Trung Quốc, thực trạng buôn lậu lợn qua biên giới còn diễn biến phức tạp - đã phát Công điện khẩn số 2990 chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Tại bản Mốc 13, biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ cách 1 con suối, thuận lợi cho các đối tượng nhập lậu lợn. Ảnh: Nguyễn Quý.
Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đối với các địa phương không có biên giới, tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm từ lợn của Trung Quốc vào địa bàn tỉnh.
Tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương; rà soát, bổ sung tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, đặc biệt quan tâm tiêm phòng vắc xin dịch Tả lợn, vắc xin phòng các bệnh đỏ để tăng cường sức đề kháng; thực hiện tốt khử trùng tiêu độc...
Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ xe nhập lậu lợn từ Trung Quốc qua biên giới vào ngày 30/7. Ảnh: Vi Thu
Đối với 3 địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc (gồm: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu), cần chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát bắt giữ lợn và sản phẩm tự lợn nhập lậu qua biên giới; Tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Khi có dấu hiệu nghi Dịch tả lợn Châu Phi phải báo ngay cho cơ quan thú y cấp tỉnh cùng phối hợp xác minh, xử lý...
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Đến nay chưa phát hiện ổ Dịch tả lợn Châu Phi nào tại Quảng Ninh, nhưng với tính chất nguy hiểm, lây lan cực nhanh của chủng loại vi rút này, chúng tôi đã và đang khẩn trương triển khai các nội dung cụ thể thực hiện Công điện khẩn số 6741 của Bộ NN&PTNT nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Quảng Ninh.
Thông tin từ Cục Thú ý – Bộ Nông nghiệp và PTNT: Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn, như: Xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng. Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56oC trong 70 phút hoặc 60oC trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần, trong máu khô không được 70 ngày, trong máu lợn ở nhiệt độ 4oC trong 18 tháng, trong giăm bông được 140 ngày và nhiệt độ 50oC tồn tại trong 3 giờ. Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng nhiễm vi rút và thức ăn thừa chứa thịt lợn hoặc bị ve mềm cắn. |