Làm giàu từ vùng “đất chết”
Ngược về ngôi nhà của tỷ phú vùng biên giới, chúng tôi gặp ông Sơn khi ông đang lấy xe ôtô dạo quanh vườn. “Giờ thì phải đi ôtô thôi, chứ đi bộ hay đi xe máy không nổi nữa rồi. Toàn bộ diện tích trồng xen canh các loại cây cũng phải gần 60ha chứ ít đâu, đi bộ mỏi chân lắm…”- ông Sơn cho hay.
Mô hình trồng xen canh được ông Phan Thanh Sơn (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) lựa chọn sau khi vay vốn của Ngân hàng NNPTNT Đức Cơ. Ảnh: Trần Hậu
"Trong những năm gần đây giá thị trường của một số mặt hàng nông sản có dấu hiệu giảm. Vì vậy, để tháo gỡ cho bà con, ngân hàng cũng đang có hướng sẽ giảm lãi suất cho phù hợp, để bà con có thể yên tâm canh tác”. Ông Trần Đình Bảy – |
Được biết, 10 năm trước ông có vay 10 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Đức Cơ (Agribank Đức Cơ), Gia Lai để mua 2ha đất, sau đó ông đã mạnh dạn đầu tư trồng cao su. Dù đã mua được đất, tuy nhiên quỹ đất mới mua lại cằn cỗi, hoang hóa nên hai vợ chồng mất khá nhiều thời gian để khai hoang, trồng trọt. Sau khoảng thời gian “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuối cùng ngày thu hoạch cũng đã đến.
“Hồi đó, mủ cao su đắt lắm nên hai vợ chồng tôi cũng dành được khoản kha khá. Trả hết tiền nợ ngân hàng và dành dụm được ít vốn nên tôi quyết định tiếp tục đầu tư đất đai để phát triển các loại cây trồng. Tuy nhiên, lần này tôi không trồng độc canh mà xen canh nhiều loại như cà phê, tiêu, điều, chuối, bơ… Cứ mỗi năm một ít, từ 2ha ban đầu đến nay cũng được gần 60ha. Ngày xưa làm rẫy chỉ dùng công cụ thô sơ nên năng suất vẫn thấp, giờ có vốn nên tôi cũng đầu tư khá nhiều máy móc hiện đại nên năng suất cũng cao hơn hẳn” - ông Sơn kể lại.
Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, lại xuất thân từ một lão nông dân chân lấm tay bùn nên đức tính siêng năng, cần cù đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Từ cao su, hồ tiêu, điều, cà phê cho đến các loại cây ăn quả như chuối, bơ... đều được ông trồng xen canh với nhau. Mùa nào thứ nấy, khu vườn của ông Sơn có thể thu hoạch quanh năm. Gắn bó với nghiệp nông dân nên tất cả mọi kinh nghiệm trồng cây công nghiệp, cây ăn quả đều được ông Sơn đúc kết từ những chuyến đi thực tế và nhiều bài học kinh nghiệm từ những lần thực nghiệm tại vườn.
“Khi trồng đa canh, xen canh các loại cây, cao su giảm giá đã có tiêu đỡ, tiêu rớt thì có điều kéo lại, quanh vườn tôi cũng xen canh nhiều loại cây ăn quả nên doanh thu khá ổn định. Đa canh, xen canh cũng giúp đất đỡ bị cằn cỗi hơn, ngoài ra còn tạo điều kiện cho người lao động có việc làm quanh năm”- ông Sơn lý giải. Hiện số người lao động thường xuyên làm việc, chăm sóc cây trồng vật nuôi thay ông từ 4-5 người với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng bao ăn, ở...
Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay
Nhìn lại nửa đời người của mình, ông Sơn thốt lên: “Tất cả là nhờ vào đồng vốn ưu đãi của Agribank Đức Cơ đấy chứ. Không có ngân hàng chắc tôi chẳng dám mạnh tay đầu tư chứ đừng nói đến cơ ngơi bây giờ. Trước đây, vùng đất dọc biên giới này có gì đâu, đất đai cằn cỗi lắm, khai phá xong mà không có vốn đầu tư thì cũng bỏ không. Hiện tại, toàn bộ diện tích gần 60ha này tôi vẫn thường xuyên vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm các thiết bị máy móc hiện đại hơn, cho năng suất cao hơn. Ngày xưa vay vốn 10 triệu, giờ vay lên đến hơn 4 tỷ rồi…”.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Sơn, nhờ đồng vốn ưu đãi của Agribank Đức Cơ một số hộ gia đình cũng biết vận dụng khá hiệu quả như: Gia đình của ông Lê Văn Việt (xã Ia Dom) với mô hình xen canh các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Sử dụng vốn vay có hiệu quả, nhờ vậy mà doanh thu mỗi năm của ông đạt khoảng 2 tỷ/năm chưa trừ chi phí. Ngoài ra, với mô hình cà phê xen canh tiêu, điều… gia đình anh Trần Văn Thành (xã Ia Kla) cũng đạt doanh thu hơn 2 tỷ/năm.
Ông Trần Đình Bảy – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Đức Cơ cho biết, những năm vừa qua để hỗ trợ người dân đầu tư, kinh doanh sản xuất, ngân hàng đã cho vay theo chủ trương 67, theo hướng phát triển kinh tế. Hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế ngân hàng đã cho trên 4.900 hộ dân trên địa bàn vay vốn, đầu tư kinh doanh.