Dân Việt

Tiểu thương rối bời khi chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM sắp đóng cửa

Khải Huyền 10/09/2018 18:39 GMT+7
“Khách hàng đến hỏi khu chợ sắp đóng cửa sao, tôi bảo không có đâu, hiện vẫn hoạt động bình thường. Thế nhưng, khi khách hàng vừa quay đi, nước mắt tôi trào ra, vì biết họ sẽ đi tìm một nơi mua sắm mới, một cửa hàng quen mới thay thế mình”, bà Nga, một tiểu thương bán quần áo tại chợ Sense Market (Trung tâm thương mại Taka Plaza trong công viên 23.9, quận 1, TP.HCM) chia sẻ về việc nơi này sắp phải đóng cửa.

Taka Plaza là khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM. Đây vừa là nơi kinh doanh của hơn 500 tiểu thương, vừa là điểm du lịch mới xây dựng khá thu hút khách của TP.HCM, nằm ngay trung tâm quận 1, cạnh khu phố Tây rất thuận tiện cho việc đi lại.

Thế nhưng mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính về việc khẩn trương thực hiện quy hoạch, chỉnh trang tổng thể, trả lại đúng chức năng không gian công cộng tại công viên 23.9 (thuộc quận 1) cho người dân.

img

Từ khi có thông tin sắp đóng cửa, khu chợ Sense Market trở nên vắng vẻ hẳn so với ngày thường. Khu ẩm thực vào giờ cao điểm cũng chỉ có vài khách tham quan, ăn uống.

Theo đó, các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên phải hoàn tất di dời trước ngày 30.4.2019. Đơn vị nào có thời hạn cho thuê thì phải thương thảo đối tác kết thúc trước thời hạn trên. Bên nào đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả cũng phải di dời theo quy định. Thông tin này đã khiến hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại khu chợ dưới lòng đất Sense Market hoang mang, lo lắng.

Bà Vũ Lan Chi trước đây buôn bán ở vỉa hè khu làng Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức, TP.HCM). Sau khi nơi này bị giải tỏa, bà Chi bơ vơ không có nơi buôn bán mưu sinh. Được Ban quản lý Trung tâm Thương mại Taka Plaza giới thiệu, bà vay tiền đầu tư thuê 2 gian hàng tại chợ Sense Market, một gian bán quần áo và một gian kinh doanh hủ tiếu Nam Vang.

“Phí thuê mặt bằng là 25 triệu đồng/tháng nhưng các chi phí đầu tư khác cũng phải 150 triệu cho các loại tiền như điện nước, đèn đóm, gas…. Việc kinh doanh chưa được 2 năm, hợp đồng còn chưa hết hạn thì đã nghe thông tin phải di dời. Nếu chợ đóng cửa, coi như tôi mất trắng số tiền đầu tư vào đây”, bà Chi ngao ngán.

img

Nhiều cửa hàng đóng cửa, treo biển sang shop. 

Nhiều tiểu thương kinh doanh tại Taka cũng chia sẻ, từ khi có thông tin phải đóng cửa, thu hồi mặt bằng để trả cho TP, các tiểu thương đều hoang mang, lo lắng. Việc kinh doanh do đó cũng đình trệ. Nhiều gian hàng đã treo bảng sang tên hoặc đóng cửa, chỉ mở khi có khách yêu cầu.  

Bà Tuyết Nga (53 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết, thời gian 2 năm qua chỉ mới đủ để tiểu thương cùng Ban quản lý chợ xây dựng nề nếp kinh doanh, xây dựng tên tuổi cho khu chợ. Vì tiểu thương khi đầu tư kinh doanh vào đây đều xác định rằng đây sẽ không phải là khu chợ lộn xộn, nhếch nhác mà là khu mua sắm theo kiểu truyền thống nhưng văn minh, lịch sự theo kiểu hiện đại giữa lòng trung tâm quận 1, TP.HCM.

“Khách địa phương cũng như khách du lịch đến TP.HCM hiện cũng đã biết đến chợ với nhiều tiếng tốt. Chúng tôi rất vui, vậy mà… Cả tháng nay, ngày nào cũng có người đến hỏi thông tin chợ sắp đóng cửa. Tôi trả lời không có đâu, nhưng khi họ quay lưng đi, nước mắt tôi trào ra. Vì biết họ sẽ đi tìm một nơi mua sắm mới, một cửa hàng quen mới thay thế mình”, bà Nga buồn bã nói.

img

Sense Market là khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM, được xây dựng theo hướng chợ truyền thống kết hợp các hình thức kinh doanh kiểu hiện đại. 

Theo bà Nga, bà con tiểu thương chỉ muốn được lưu lại buôn bán ở chợ thêm một thời gian nữa, khoảng 2 – 3 năm, để thu hồi vốn, giảm bớt hàng hóa còn tồn đọng. Trong thời gian này, tiểu thương sẽ không nhập thêm hàng mới mà chỉ mong xả hàng cũ đi, sau đó, cơ quan chức năng quyết định thế nào thì sẽ theo như vậy.

Vì như hiện tại, hàng dự trữ của bà Nga có trị giá hơn 1 tỷ đồng. Khi đặt hàng với doanh nghiệp, tiểu thương phải mua hàng hóa số lượng lớn với doanh nghiệp sản xuất để có giá tốt. Từ đó, mới có thể bán ra giá mềm cho khách mua hàng nên số lượng hàng nhập về phải lớn.

Nói về chủ trương thu hồi các công trình chiếm chỗ ở các khu công cộng để trả lại không gian cho cộng đồng, hầu hết các tiểu thương đều đồng ý. Với khu tầng hầm Taka Plaza, nhiều tiểu thương cho rằng, trước đây, nơi này rất nhếch nhác, tối tăm, dùng để làm bãi giữ xe vi phạm Luật Giao thông. Các đối tượng hút chích, ma túy… cũng thường vào đây “hoạt động”.

Thế nhưng từ khi được cải tạo, xây dựng thành trung tâm mua sắm, nơi này trở thành địa điểm “check in” hấp dẫn mới của du khách, đồng thời tạo nơi chốn ổn định công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương, lao động vốn phải mưu sinh trên vỉa hè, lề đường trước đây.

img

Đầu tư vốn lớn nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì có thông tin chợ phải đóng cửa, nhiều tiểu thương không còn mặn mà với việc buôn bán nên treo biển sang cửa hàng. 

Ông Lê Thanh Bình – Phó phòng kinh doanh Taka Plaza cho biết, hiện có 250 gian hàng kinh doanh quần áo tại khu vực này. Nếu phải đóng cửa, Ban quản lý Taka sẽ tìm một địa điểm khác để hỗ trợ tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, không thể tìm được địa điểm nào phù hợp. Do đó, nhiều tiểu thương sẽ rơi vào cảnh phá sản.

“Trước đây buôn bán ở lòng lề đường, bà con không cần vốn nhiều nhưng khi vào chợ yên chỗ rồi hầu hết tiểu thương đều đầu tư lớn để ổn định kinh doanh. Việc sớm đóng cửa khu chợ này khiến cả Ban quản lý và tiểu thương rơi vào cảnh khó xử”, ông Bình cho biết.

Còn theo Sở GTVT TP.HCM, tổng diện tích công viên 23/9 là 109.000m2. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các công trình chiếm chỗ để làm dịch vụ kinh doanh, trong đó có khu chợ dưới lòng đất buộc phải đóng cửa trước ngày 30.4.2019. Đây là chủ trương của thành phố, nên các đơn vị phải thi hành để trả lại hiện trạng công viên theo đúng chức năng là phục vụ cộng đồng.

Hiện Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường di dời các đơn vị kinh doanh đóng trên mặt bằng công viên 23.9. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất không gia hạn hợp đồng cho thuê với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng. Vì vậy, khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của thành phố buộc phải đóng cửa.

Chợ ẩm thực và mua sắm hiện đại Sense Market do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op- SCID và Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại Cửu Long đầu tư chính thức khai trương vào đầu tháng 3.2017.

Đây là mô hình kinh doanh mới kết hợp giữa chợ truyền thống và hiện đại với các hoạt động ẩm thực đa dạng, nhà sách, cà phê... đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm giải trí của khách hàng trong nước và của khách du lịch quốc tế.

Khu vực tầng hầm có diện tích xây dựng 11.000 m2, trong đó có 5.000 m2 tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực đường phố của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản… Một khu mua sắm Taka Plaza với hơn 400 gian hàng lớn nhỏ, cung cấp hàng hóa đa dạng theo tiêu chí bán đúng giá, không nói thách.