Dân Việt

Đại hội Hội ND TP.Hà Nội: Phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội

Thu Hà 11/09/2018 06:15 GMT+7
Trong 2 ngày 11-12.9, Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP.Hà Nội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023 được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Theo chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Thào Xuân Sùng dự và chỉ đạo đại hội.

Dự đại hội còn có đại diện Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, lãnh đạo các sở ban, ngành, đoàn thể thành phố, lãnh đạo Hội ND 17 tỉnh, thành ký chương trình phối hợp với Hội ND TP.Hà Nội cùng 345 đại biểu, đại diện cho hơn 475.000 cán bộ, hội viên, ND trên địa bàn Hà Nội.

Hơn 8.000 nông dân hưởng lợi

img

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Lê Trọng Khuê (thứ 3 bên phải) và đoàn công tác thăm mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Thu Hà.

Hoạt động của Hội nông dân TP.Hà Nội
1.626.165 là lượt hội viên đăng ký thi đua SXKDG.
1.096.979 là lượt hộ hội viên đạt danh hiệu.
1.854 là số lớp đào tạo, dạy nghề cho 63.630 lượt người.
40.236 người có việc làm.
59.000 hộ ND được vay vốn.

Xã Cẩm Lĩnh là 1 trong nhiều cơ sở Hội trên địa bàn huyện Ba Vì thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Ông Trần Đình Thành – Chủ tịch Hội ND xã Cẩm Lĩnh cho hay, trong những năm qua, Hội ND xã đã xây dựng được một số dự án vay vốn Quỹ HTND các cấp. Trong đó có nhiều dự án được cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên đánh giá hiệu quả và thành công.

Điển hình như: Dự án “Trồng bưởi Diễn và nuôi gà thả vườn” vay vốn Quỹ HTND năm 2011 với số tiền 150 triệu đồng cho 15 hội viên vay. Đến nay, ngoài chăn nuôi gà, các hộ đã có vườn bưởi Diễn khép tán cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm. “Thành công và có sự lan tỏa hơn cả là dự án “Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì”. Với số vốn 500 triệu đồng, 12 hộ tham gia dự án đã cùng liên kết mua chung vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi khép kín”- ông Thành nhấn mạnh.

Nói thêm về chuỗi giá trị chăn nuôi gà đồi, ông Thành thông tin, với địa hình, khí hậu thuận lợi, nhiều năm nay, chăn nuôi gà đồi là thế mạnh của ND Cẩm Lĩnh. Gần 100% các hộ trong xã có thu nhập chính từ nghề nuôi gà. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn mang tính tự phát, manh mún nhỏ lẻ. Năm 2016, Hội ND xã xây dựng “Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi”. Tham gia chuỗi, các thành viên phải tuân theo quy trình nuôi chung và sản xuất theo kế hoạch. Theo đó, quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật.

 Hiện sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. “Vốn vay Quỹ HTND đã tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các hộ tham gia trong chuỗi. Hiện nay, tổng số thành viên của chuỗi đã lên đến 61 hộ với đàn gà 270.000 con/năm” - ông Thành cho biết.

Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND thuộc Hội ND TP.Hà Nội đạt hơn 513 tỷ đồng và là địa phương có nguồn vốn lớn nhất cả nước, số lượng hội viên, ND được hưởng lợi nhiều nhất cả nước. Ông Lê Trọng Khuê – Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết: Thực hiện Chỉ thị 27 của UBND thành phố về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng Quỹ HTND TP.Hà Nội”;  Chương trình 04 của BCH Hội ND Hà Nội về “Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND giai đoạn 2014 – 2018”, Quỹ HTND tăng trưởng ấn tượng. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn TP.Hà Nội là hơn 513,7 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn  Quỹ HTND đang giải ngân thực hiện 389 dự án với hơn 8.000 hộ ND hưởng lợi.

“Quá trình vay vốn Quỹ HTND được tiến hành bình xét công khai, dân chủ, công tác thu hồi gốc và phí đều nhanh gọn, không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Quỹ HTND đã góp phần đáng kể tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho ND; gắn kết nông dân với tổ chức Hội; khai thác hiệu quả thế mạnh nông nghiệp, tạo ra lượng nông sản lớn đảm bảo chất lượng; tăng liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng hình thành chuỗi sản phẩm...” – Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội khẳng định.

Hỗ trợ nông dân làm giàu

img

Ông Trần Đình Thành  giới thiệu sản phẩm gà đồi Ba Vì. Ảnh: T.H

Bên cạnh đó, các cấp Hội ND Hà Nội nhận nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.350 tỷ đồng cho trên 59.000 hộ vay, nguồn nhận ủy thác từ Ngân hàng NNPTNT cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ trên 1.390 tỷ đồng cho hơn 25.000 hộ vay tạo điều kiện cho hội viên, ND vay vốn sản xuất, kinh doanh; hàng năm tổ chức 14.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật... cho trên 1.418.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp với doanh nghiệp uy tín tín chấp mua 8.541 tấn phân bón các loại theo hàng năm theo phương thức trả chậm. Trong nhiệm kỳ 2013 – 2018 vừa qua, bình quân mỗi năm, các cấp Hội ND Hà Nội còn trực tiếp và phối hợp tổ chức 1.854 lớp đào tạo, dạy nghề cho 63.630 lượt người. Đồng thời đã giúp cho 40.236 người có việc làm.

Thực hiện Chương trình 05 của Hội ND thành phố về  “Nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho ND giai đoạn 2014 - 2018” các cấp Hội tăng cường phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức 89 lớp tập huấn, tư vấn trang bị kiến thức cho hội viên ND.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức và tham gia 10 hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố; tổ chức 18 phiên giao dịch giới thiệu nông sản an toàn; tổ chức hội chợ giới thiệu nông sản chất lượng cao. Đã có nhiều sản phẩm xây dựng nhãn hiệu tập thể như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, rau hữu cơ Thanh Xuân – Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì, mây tre đan Phú Nghĩa – Chương Mỹ...

Nhờ được hỗ trợ, hội viên ND đã tích cực tham gia phát triển các hình thức kinh tế. Đến hết năm 2017 các cấp Hội đã xây dựng được 538 mô hình. Trong đó lĩnh vực có trồng trọt 297 mô hình, chăn nuôi có 127 mô hình, kinh doanh dịch vụ có 114 mô hình.

Các mô hình tiêu biểu như: Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Cẩm Lĩnh (Ba Vì); chăn nuôi gia cầm xã Cấn Hữu (Quốc Oai); Chuyển đổi cây trồng ở Thọ Xuân (Đan Phượng); trồng cây có múi ở Vạn Phúc (Thanh Trì); sản xuất rau hữu cơ ở Thanh Xuân (Sóc Sơn); trồng măng tây xanh ở Khai Thái (Phú Xuyên…