Sắc xanh trở lại với VIC, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hưởng niềm vui
Bước vào phiên giao dịch sáng 10.9. Lực cầu tham gia thị trường vẫn hạn chế trong khi áp lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường tiếp tục đón nhận những nhịp rung lắc. Tuy nhiên, trong nửa cuối phiên sáng 10.9, sự hồi phục tích cực của các mã vốn hóa lớn, đặc biệt là VIC và nhóm cổ phiếu dầu khí đã giúp VnIndex tiến sát mốc 975 điểm.
Đà tăng điểm nhanh chóng bị thu hẹp khi áp lực bán gia tăng. Thị trường về cuối phiên giao dịch lại vấp phải áp lực bán mạnh. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như ACB, MSN, VPB, KDC… đều đồng loạt giảm mạnh và tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung.
Trong đó, MSN bất ngờ giảm 3,7% xuống 91.500 đồng/cổ phiếu. VPB giảm 2,4% xuống còn 24.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 3,2 triệu đơn vị. ACB giảm 1,8% xuống còn 32.800 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 3 triệu đơn vị. Đây là nguyên nhân chính khiến HNX-Index đảo chiều giảm trở lại.
Trong khi đó, VnIndex may mắn duy trì được sắc xanh nhờ vào lực đỡ tốt đến từ một số cổ phiếu trụ cột như PLX, VIC, STB, BVH… Trong đó, PLX tăng 2,5% lên 69.500 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 1,8 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC, sau 4 phiên liên tiếp giảm đã khởi sắc trở lại, tăng 2,2% lên 99.300 đồng/cổ phiếu và trở thành điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng, chỉ số VnIndex giữ được mốc 970 điểm ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10.9, VnIndex tăng 1,44 điểm (0,15%) lên 970,34 điểm; HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,91%) xuống 110,69 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10.9, VnIndex tăng 1,44 điểm (0,15%) lên 970,34 điểm (Ảnh: I.T)
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 130,8 tỷ đồng (giảm 14% so với phiên trước), tương ứng khối lượng đạt 2 triệu cổ phiếu. Trong đó, mua ròng mạnh nhất mã VCB với giá trị đạt 55,5 tỷ đồng. Tiếp đến là hai mã GEX và SSI với giá trị mua ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 27,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, HPG dẫn đầu danh sách bán ròng với 18,6 tỷ đồng. NVL và MSN bị bán ròng lần lượt 15 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG dẫn đầu danh sách bán ròng với 18,6 tỷ đồng (Ảnh: I.T)
Người duy nhất trong số các tỷ phú USD Việt Nam hưởng niềm vui sau phiên giao dịch ngày 10.9 có lẽ là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Sau 4 phiên liên tiếp giảm điểm, cổ phiếu VIC đã khởi sắc trở lại, tăng 2,2% lên 99.300 đồng/cổ phiếu giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu về 1.520,34 tỷ đồng.
Trong khi đó tài sản chứng khoán của hai tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm nhẹ 4,27 tỷ đồng sau khi cổ phiếu VJC không giữ được sắc xanh trong những phút cuối phiên giao dịch.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng giảm 190,78 tỷ đồng (1,26%) do giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG giảm 500 đồng/cổ phiếu xuống 39.200 đồng/cổ phiếu sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 10.9.
Vietjet lọt top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới
Tạp chí Airfinance vừa công bố top 50 hãng hàng không tốt nhất trên thế giới dựa trên tình trạng hoạt động và sức khỏe tài chính của các hãng hàng không. Theo xếp hạng, Hãng hàng không Vietjet xếp ở vị trí số 22.
Xếp hạng của Airfinance cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động và sức khỏe tài chính sau khi khảo sát 162 hãng hàng không trên khắp thế giới, bao gồm cả các hãng hàng không truyền thống và hàng không chi phí thấp (LCC).
Đứng đầu danh sách này là Ryanair (hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu) và Air Arabia (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), Japan Airlines của Nhật Bản xếp thứ 4. Qatar Airways xếp hạng 28, Delta Air Lines xếp hạng 36, ANA xếp hạng 39, Indigo xếp thứ 42, Air Asia xếp hạng 43, Air France và KLM xếp hạng 49, 50… Còn Vietjet Air đến từ Việt Nam xếp thứ 22.
Vietjet xếp hạng 22 trong số 50 hãng hàng không tốt nhất trên thế giới dựa trên tình trạng hoạt động và sức khỏe tài chính của các hãng hàng không (Ảnh minh họa)
Xếp hạng tài chính dựa trên dữ liệu cập nhật của 12 tháng gần nhất (giai đoạn LTM), đánh giá 5 tiêu chí bao gồm:
(1)Độ tuổi trung bình của đội bay (Average age of the fleet)
(2)Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao, tiền thuê tàu trên Tổng doanh thu (EBITDAR/ Revenue) – tính theo %
(3)Khả năng thanh toán lãi, tiền thuê cố định (Fixed charge cover: EBITDAR/ Net Income + Rent)
(4)Khả năng linh hoạt về dòng tiền hoạt động trên Tổng doanh thu (Liquidity as % of Revenue)
(5)Tỷ lệ Nợ trên Lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao, tiền thuê (Adjusted Net Debt/ EBITDAR)
Theo bảng chấm điểm, Vietjet đạt tổng doanh thu 995 triệu USD trong vòng 12 tháng gần nhất, độ tuổi trung bình đội tàu bay 3,2 năm. Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao, tiền thuê tàu trên Tổng doanh thu ở mức 31,4%.
Hệ số Fixed Charge Cover đạt 2 lần; Khả năng linh hoạt về dòng tiền hoạt động trên Tổng doanh thu đạt 30,4%.
Nửa đầu năm nay, Vietjet đạt tổng doanh thu thuần 21.222 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.999 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Vietjet sẽ nhận 17 tàu bay Airbus. Sáu tháng đầu năm Vietjet đã nhận 4 tàu bay Airbus A321. Sáu tháng cuối năm, Vietjet sẽ nhận tiếp 13 tàu bay và sẽ ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động chuyển giao tàu bay này.