Dân Việt

"Cứ tư duy kiểu 1.0, 2.0 rồi áp vào kinh tế vận hành sẽ đẩy Cách mạng 4.0 khỏi Việt Nam"

Hoàng Thắng 11/09/2018 06:16 GMT+7
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý chính sách kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng cần phải thay đổi tư duy. Nếu cứ tư duy thiếu thị trường, kiểu tư duy 1.0, 2.0 như hiện nay, rồi áp dụng vào kinh tế vận hành kiểu 4.0 thì sẽ đẩy Cách mạng 4.0 đi chứ không phải kéo nó ở lại.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (World Economic Forum on ASEAN 2018) bắt đầu diễn ra từ ngày 11-13.9.2018 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN.

Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", Diễn đàn là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc và tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với các quốc gia ASEAN và khu vực, đặc biệt là tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam thuộc nhóm "trứng nước" về công nghệ, đổi mới

Trao đổi với báo chí tại một hội thảo được tổ chức cách đây ít ngày xung quanh cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chỉ số sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 của chúng ta đang ở giai đoạn có tiềm năng nhưng hỗn độn. Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0.

img

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Lý do được TS. Nguyễn Đình Cung đưa ra là các chỉ số liên quan đến đổi mới và sáng tạo ở Việt Nam còn ở mức thấp.

Trích dẫn số liệu từ các báo cáo do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây được CIEM tổng hợp, ông Cung nhìn nhận, Việt Nam thuộc vào nhóm các quốc gia "trứng nước" về công nghệ và đổi mới.

Theo đó, Việt Nam xếp hạng 70 về nguồn nhân lực. Chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo xếp hạng 90. Trong GCI 2017-2018, Việt Nam đứng thứ 79/137 về sự sẵn sàng về công nghệ, thứ 71/137 về sáng tạo. Nhưng chia nhỏ các chỉ số thì Việt Nam đứng thứ 112/137 về sự sẵn sàng với công nghệ mới nhất; 90/137 về chất lượng các viện nghiên cứu...

Trong số những nước ở khu vực Đông Nam Á được báo cáo của WEF đánh giá, Việt Nam đứng sau Singapore và Malaysia, hai quốc gia thuộc nhóm 25 nước dẫn đầu, Thái Lan và Philippines, hai quốc gia thuộc nhóm 10 nước có kế thừa. Việt Nam cũng đứng sau Indonesia và chỉ xếp trên Campuchia, hai nước cùng nhóm 58 nước trứng nước với Việt Nam. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á không có nước nào thuộc nhóm 7 nước tiềm năng cao.

Theo ông Cung, vấn đề đáng lo ngại đối với Việt Nam hiện nay là môi trường kinh doanh cho sự phát triển của ngành kinh tế số đang tồn tại nhiều vấn đề. Chỉ số đánh giá sự nghiêm ngặt của các quy định pháp luật liên quan tới kinh tế số của Việt Nam được xếp ở mức 0,45 điểm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của các nước được WEF đánh giá, tương đương với vị trí thứ 5 từ dưới lên trong bảng xếp hạng của WEF.

"Điều này cho thấy chính sách pháp luật của chúng ta đang có nhiều quy định bất cập, gây trở ngại cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ liên quan tới công nghệ", ông Cung nhận định.

Qua câu chuyện gây tranh cãi gần đây giữa hình thức gọi xe Grab, Uber... với hình thức taxi truyền thống hay hàng loạt doanh nghiệp startup phải sang Singapore để đăng ký kinh doanh... ông Cung cho rằng sẽ không có môi trường thuận lợi cho tài năng số, lực lượng lao động có kỹ năng về kinh tế số có môi trường để hiện thực nó nếu chúng ta không có những thay đổi về tư duy quản lý kinh tế theo hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

“Nếu cứ tư duy thiếu thị trường, tư duy 1.0, 2.0 như hiện nay mà áp dụng vào kinh tế vận hành kiểu 4.0 thì sẽ đẩy Cách mạng 4.0 đi khỏi Việt Nam chứ không phải kéo nó ở lại” TS Nguyễn Đình Cung lo ngại.

Muốn hút người tài ở nước ngoài, phải giữ chân người tài trong nước

Từ những thực trạng nêu trên, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất: “Việt Nam cần nhanh chóng cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách nhất là trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay 5.0 mà kỷ nguyên kinh tế số ở Việt Nam vẫn chỉ là trên giấy tờ, trên hội nghị”.

Theo đó, ông Cung cho rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 cần suy nghĩ hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể.

"Những quy định sắp tới ban hành, nếu chúng ta không thay đổi, vẫn theo lối đưa ra các điều kiện kinh doanh can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; thêm các giấy phép con, cháu, chúng ta sẽ tiến nhanh hơn quá trình đuổi doanh nghiệp ra khỏi Việt Nam sớm hơn", ông Cung nói.

img

Trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, robot sẽ thay thế con người trong nhiều công việc, giai đoạn tạo ra sản phẩm (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Đình Cung nói thêm: “Chúng ta kêu gọi nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp xây dựng kinh tế trong nước. Nhưng trước hết chúng ta hãy phát huy hết trí tuệ người trong nước vì chừng nào thể chế kinh tế còn bất cập, môi trường kinh doanh còn chưa minh bạch, người Việt còn phải ra Singapore để thành lập doanh nghiệp thì người ở Việt Nam vẫn sẽ ra đi và người Việt Nam ở nước ngoài cũng khó trở về”.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong giai đoạn này, phải dứt khoát chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, kiên quyết chấm dứt giai đoạn chuyển đổi. Chỉ có “thị trường, thị trường và thị trường hơn” mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển.

Vì vậy, giải pháp ưu tiên TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất là hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố sử dụng nguồn lực hiệu quả; đồng thời, đổi mới vai trò và cách thức quản lý nhà nước, trong đó, có đổi mới và thực hiện phân bố nguồn lực nhà nước theo cơ chế, nguyên tắc thị trường.

Phải thúc đẩy cạnh tranh, nếu không thì phân bố nguồn lực vẫn là xin - cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, sân sau - sân trước. Xin – cho và sân trước sân sau khiến cho DN nào đầu tư cho quan hệ thì có cơ hội, khiến đầu tư cho khoa học – công nghệ mới trở nên khó khăn và thua thiệt. Không có khoa học và công nghệ mới thì nền kinh tế vẫn bị kìm hãm. Với Cách mạng Công nghiệp 4.0, cần suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn là tuyên bố khẩu hiệu không có nội hàm.