Dân Việt

Thị trường “dội nước” vào tham vọng của tỷ phú Thái tại Vinamilk?

Mai Chi 17/09/2018 07:03 GMT+7
20 lần đăng ký mua vào cổ phiếu VNM để gia tăng sở hữu nhưng liên tục thất bại. Sáng nay, cổ phiếu VNM lại tăng giá mạnh, trở thành trụ đỡ cho thị trường, càng khiến cho tham vọng của tỷ phú người Thái trở nên khó khăn.

img

Phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục diễn biến giằng co và rung lắc mạnh. VN-Index cuối cùng vẫn đạt được mức tăng nhẹ 0,79 điểm tương đương 0,08% lên 992,13 điểm dù số mã giảm vẫn đang lấn lướt số mã tăng (165 mã giảm giá so với 104 mã tăng giá).

HNX-Index ngược lại chấp nhận giảm 0,22 điểm tương ứng 0,2% còn 113,14 điểm. Số mã tăng trên sàn này hiện là 65 mã so với 70 mã giảm.

Thanh khoản thị trường tuy vậy vẫn đạt được mức khác. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt hơn 90 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 1.992,5 tỷ đồng. Trên HNX, con số này là hơn 28 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 368 tỷ đồng được giải ngân vào cổ phiếu.

Sở dĩ VN-Index vẫn bật tăng trở lại trong phiên sáng nay là nhờ vào hai “ông lớn” VNM và TCB. Riêng VNM tăng 2.900 đồng đã đóng góp cho chỉ số tới 1,32 điểm và TCB tăng 1.050 đồng đóng góp 1,15 điểm cho VN-Index.

Mới đây, F&N Dairy Investment Pte.Ltd vừa công bố thông tin cho biết, đơn vị này đã đăng ký mua vào 14,5 triệu cổ phiếu VNM từ ngày 14/8 đến 12/9/2018, song ý định này thất bại do “điều kiện thị trường không phù hợp”.

Trong khoảng thời gian mà F&N Dairy đăng ký gom mua thêm cổ phiếu VNM thì mã này đã tăng gần 4.000 đồng từ mức giá 128.406 đồng lên 132.400 đồng (tăng giá 3,11%).

Đáng chú ý là F&N Dairy lập tức đã đăng ký mua lại số lượng cũ là hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 18,31%. Thời gian thực hiện từ ngày 17/9 đến ngày 16/10/2018. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.

Từ năm 2017 đến nay, F&N Dairy đã 20 lần đăng ký mua vào cổ phiếu Vinamilk thông qua giao dịch khớp lệnh nhưng liên tục thất bại. Đơn vị này là thành viên của Tập đoàn đồ uống Fraser & Neave Limited, do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát, ông Lee Meng Tat làm giám đốc. Ông Lee đang là thành viên HĐQT Vinamilk.

Với mức tăng giá sáng nay, thị giá VNM hiện đang ở mức 135.800 đồng/cổ phiếu và đã tăng hơn 15.300 đồng tương ứng tăng 12,74% so với mức đáy một năm về trước (ngày 22/9/2017) và mức tăng trong vòng 1 tuần qua gần 7%.

Theo như diễn biến của VNM trong sáng nay và trong vòng 1 tuần qua thì khả năng thị trường sẽ lại “dội nước lạnh” lên nỗ lực miệt mài gom mua cổ phiếu nhằm tăng cổ phần nắm giữ của F&N Dairy tại “ông lớn” ngành sữa của Việt Nam.

Bên cạnh VNM và TCB, loạt cổ phiếu GAS, SAB, VPB, PLX, VHC, VHM, PVD, DMC… tăng giá cũng góp phần đẩy chỉ số tăng điểm. VHC tăng 5.000 đồng, GAS tăng 1.400 đồng, SAB tăng 1.200 đồng.

Chiều ngược lại, VIC, BVH, VCB, MSB, VJC, VRE, MBB, CTG, NVL, PNJ… lại “rủ nhau” đỏ sàn.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, VN-Index đã trải qua một tuần tăng điểm khá tích cực và lại tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên trong khoảng một tháng trở lại đây thì chỉ số nhìn chung vẫn đang dao động trong vùng 950-1.000 điểm.

Điểm khác biệt so với giai đoạn trước là mức độ dao động trong phiên cũng như nhịp độ biến động qua từng phiên đều có xu hướng gia tăng. Cùng với đó, tuần này cũng sẽ là thời điểm cả hai quỹ ETF ngoại lớn hoàn thành hoạt động tái cơ cấu danh mục với khối lượng giao dịch lớn nhiều khả năng sẽ rơi vào ngày thứ sáu cuối tuần (21/9).

Điều này một mặt làm gia tăng mức độ rủi ro chung trên thị trường, nhưng đồng thời cũng làm mở ra nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm lợi nhuận cho những nhà đầu tư theo trường phái giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn.

Tuy vậy cả nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn đều được khuyến nghị nên quan tâm nhiều hơn đến sự vận động của dòng tiền trong giai đoạn này bên cạnh yếu tố cơ bản của từng cổ phiếu để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.