Dân Việt

Gần 20.000 hộ dân được hỗ trợ vốn tạo lập sinh kế mới

Trần Hải 21/09/2018 13:29 GMT+7
Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP.HCM , khoảng 20.000 hộ dân vùng ven thành phố trong 2 năm gần đây đã được vay vốn tạo lập sinh kế mới hoặc mở rộng việc làm.

Tính đến cuối tháng 6, Ngân hàng CSXH chi nhánh TP.HCM đã tiếp nhận ủy thác trên 1.400 tỷ đồng từ các quỹ của địa phương (chiếm hơn 46% tổng nguồn vốn huy động). Từ nguồn vốn ủy thác này, việc giải ngân cho vay đối với nguồn vốn từ các quỹ tăng trưởng rất mạnh với hàng ngàn tỷ đồng được quay vòng nhanh theo các chương trình tín dụng đặc thù dùng ngân sách của thành phố.

Nguồn vốn đi vào cộng đồng hiệu quả

img

Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Trần Hải

UBND TP.HCM chấp thuận chỉ tiêu nợ quá hạn tín dụng chính sách xã hội năm 2018 chung toàn thành phố về mức 1,2%. Theo đó, thành phố giao Sở LĐTHXH phối hợp với Ngân hàng CSXH chi nhánh TP.HCM trình UBND thành phố quyết định phân bổ chỉ tiêu cho vay cho các quận, huyện và chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để giải ngân ngay trong quý I.2018, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ dân từ đầu năm.

Tại huyện Cần Giờ, thời điểm này những hình ảnh nhếch nhác, tạm bợ... đã không còn nhiều. Nhờ đồng vốn hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH, trong các năm 2016-2017 đã có hàng trăm căn nhà tạm được xóa bỏ, hàng ngàn hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có được nguồn tài chính để chuyển đổi kinh tế và mở rộng sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH huyện Cần Giờ, đến thời điểm hiện tại nhờ vào cách tiếp cận hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, chỉ trong vòng hai năm (2016-2017) đã có trên 500 hộ nghèo nhận được hỗ trợ tài chính để bù đắp các chiều thiếu hụt về giáo dục - đào tạo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và điều kiện nhà ở.

Tình hình nguồn vốn Ngân hàng CSXH đi vào cộng đồng đã thực sự mang lại hiệu quả cũng đang diễn ra ở nhiều quận huyện vùng ven tại TP.HCM như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè... Thống kê của Ngân hàng CSXH TP.HCM, trong giai đoạn 2003 - 2017, nguồn vốn tín dụng đạt gần 2.850 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 2.830 tỷ đồng, tập trung vào 6 chương trình: Cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay,...

Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH góp phần giúp trên 225.000 lượt hộ thoát nghèo qua các giai đoạn; hỗ trợ 56.000 lượt gia đình  bị thu hồi có vốn làm ăn; giúp 88.000 lượt học sinh - sinh viên được vay vốn học tập... Riêng 2 năm gần đây (2016-2017), có gần 20.000 hộ dân các quân huyện vùng ven được hỗ trợ vốn tạo lập sinh kế mới.

Áp lực tái nghèo không còn lớn

Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh TP.HCM cho biết, để có được những kết quả nổi bật trong công tác vay vốn, xóa đói giảm nghèo, các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng CSXH tại các quận, huyện vùng ven đã phải nỗ lực rất lớn để thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách thức cung ứng và ưu tiên nguồn vốn. Từ 5-6 chương trình tín dụng phổ biến, đến nay Ngân hàng CSXH ở TP.HCM đã chủ động xây dựng thêm 8 chương trình cho vay mới để phù hợp nhu cầu tài chính của người dân từng khu vực. Trong đó, có những chương trình cho vay rất đặc thù như: Cho vay sau cai nghiện ma túy, cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay khởi nghiệp đối với lao động nữ…

Cũng theo ông Tiên, việc tiếp cận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều đang đặt nền tảng rất tích cực cho việc xóa nghèo bền vững.

“Mặc dù vài năm gần đây TP.HCM áp dụng chuẩn nghèo riêng cao hơn so với chuẩn nghèo chung quốc gia, nhưng áp lực tái nghèo của những hộ dân đã vay vốn không còn quá lớn. Người dân được hỗ trợ đúng nhu cầu, sử dụng vốn vay đúng mục đích nên đã có hơn 200.000 hộ đã được vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2016-2020 và hầu như không có hộ nào tái nghèo trở lại”- ông Tiên nói.

Được biết, từ nay đến năm 2020, Ngân hàng CSXH TP.HCM dự kiến cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đặc biệt, ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn của người vay nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tiêu cực phát sinh, nhất là tình trạng vay ké, chiếm dụng vốn...