Nhiều hộ đồng bào nghèo ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) sau khi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và được hướng dẫn về phương thức sản xuất, kinh doanh đã từng bước thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Thoát nghèo vươn lên khấm khá
Đang giám sát thợ thi công đóng trần nhà, chị Hồ Thị Kim, ở thôn Quảng Hợp, xã Sơn Thủy khoe: "Căn nhà này là thành quả làm ăn của gia đình tôi sau quá trình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện A Lưới".
Chị Hồ Thị Kim(phải), xã Sơn Thủy là hộ điển hình thoát nghèo vươn lên khá giả từ đồng vốn Ngân hàng CSXH huyện A Lưới. Trong ảnh, đàn bò sinh sản của gia đình chị Kim gây dựng được từ đồng vốn vay Ngân hàng CSXH Ảnh: Bá Trí
Có vốn “mồi” Ngân hàng CSXH cũng góp phần huy động nguồn vốn trong dân, mở thêm nhiều mô hình sản xuất, diện tích canh tác, hình thành nên những vùng chuyên canh hàng hóa tập trung như phát triển trồng chuối ở xã Hồng Thủy, chăn nuôi gia súc ở Hồng Vân, kết hợp phát triển trồng rừng với chăn nuôi ở các xã Nhâm, Hồng Quảng, Hồng Thái… |
Năm 2012, gia đình chị Kim lúc đó là hộ nghèo, được tham gia tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của Hội ND bình xét, đề xuất cho chị vay Ngân hàng CSXH 20 triệu đồng. Chị dồn hết vốn liếng đầu tư vào chăn nuôi bò. Được cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp với Hội ND quan tâm hướng dẫn, mô hình chăn nuôi của chị phát triển thuận lợi, đồng vốn phát huy hiệu quả. Số tiền tích lũy được, chị Kim trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục nuôi bò. Đến nay, đàn bò sinh sản của chị Kim đã là 12 con. Sau khi thoát nghèo, chị Kim tiếp tục vay Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với số vốn 50 triệu đồng để đầu tư trồng 3ha rừng.
Mô hình chăn nuôi lợn, gà, vịt, trồng rừng và buôn bán hàng tạp hóa của gia đình chị Nguyễn Thị Phôn, ở thôn 4, xã Hồng Quảng cũng ấn tượng không kém. Năm 2013, gia đình chị là một trong những hộ nghèo trong thôn được tổ TKVV của Hội LHPN xã bình xét cho vay vốn Ngân hàng CSXH huyện 20 triệu đồng. Chị dùng số tiền này để mở rộng mô hình nuôi lợn nái và nuôi lợn thịt kết hợp với nuôi bò, gà thịt và ngan. Chí thú làm ăn, sau khi trừ mọi chi phí mỗi năm chị lãi khoảng 30-35 triệu đồng.
Đến năm 2017, sau khi trả hết nợ ngân hàng, chị được Hội LHPN xã chọn là mô hình làm ăn tiêu biểu của xã Hồng Quảng. Gia đình chị mạnh dạn đăng ký vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi và trồng thêm 3ha rừng keo…
Giảm nghèo gắn với xây dựng NTM
Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện A Lưới Hà Văn Trung cho biết: “Giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nội dung mà Ngân hàng CSXH đang rất quan tâm”.
Ông Trung cho biết, đến cuối tháng 8.2018, toàn huyện A Lưới có 7 xã nằm trong diện đang xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dư nợ cho 7 xã đến nay hơn 84,9 tỷ đồng/2.744 hộ vay, tăng so với đầu năm 2018 là gần 7,8 tỷ đồng. Chỉ tính riêng chương trình cho vay hộ nghèo, 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện đã cho 457 hộ vay với số tiền hơn 14,4 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời để bà con phát triển sản xuất, kịp thời vụ. Nhờ nguồn vốn đó, đã có 86 hộ thoát nghèo trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH A Lưới hỗ trợ cho 346 hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng 692 công trình nước sạch và nhà vệ sinh; giải quyết cho 163 hộ được vay vốn để tạo việc làm cho 163 lao động; giải ngân kịp thời cho 172 hộ vay vốn để xây dựng và sửa chữa nhà ở…
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm khẳng định, ngoài đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi, việc phối hợp hướng dẫn kỹ năng, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh cho bà con cũng giúp đã phát huy đồng vốn vay hiệu quả.