Dân Việt

Sơn La: Giảm bức xúc trong ND, phát huy tiềm năng nông nghiệp

Kiều Minh Ngọc 14/09/2018 12:01 GMT+7
Sơn La là tỉnh vùng cao với 12 dân tộc chung sống, đời sống vật chất, trình độ dân chí còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự góp sức của Hội ND các cấp, những năm gần đây lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã dần khởi sắc.

Đánh thức tính tự giác trong dân

Để đánh thức vai trò kinh tế hộ, giúp hội viên, nông dân tự giác xóa nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, những năm gần đây, Hội ND tỉnh Sơn La đã có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

img

img

 Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất (phải) trực tiếp tham gia quảng bá nông sản của nông dân trong một sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: K.T

Cùng với công tác củng cố, phát triển tổ chức Hội, Hội ND tỉnh Sơn La đã đầu tư mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn… nhằm làm thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân, từ đó thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh để giảm nghèo, làm giàu…

Trong 5 năm qua, Hội ND tỉnh đã tổ chức các lớp đào, tư vấn, hướng dẫn nghề, nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng sản xuất hàng hóa… cho hơn 16.500 lượt hội viên, nông dân. Hỗ trợ xây dựng 10 mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt áp dụng trong mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp… Đây là các mô hình để nông dân tham quan, học hỏi, so sánh và làm theo.

Hội đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng 93 mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ mới cho hàng trăm nông dân và 11 HTX nông nghiệp. Ông Lù Văn Pháng-Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La cho hay: “Phải đánh thức sự tự giác, ý thức thi đua trong đồng bào để chính họ vươn lên. Tuyên truyền, tập huấn, vận động trước hết làm cho bà con thay đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Chính vì hoạt động thiết thực nên Hội ND Mường La đã góp phần “đánh thức” tiềm năng nông-lâm nghiệp như: Cá nước lạnh ở Ngọc Chiến, gạo nếp thơm Mường Chiến hay trái sơn tra trên dãy Hoàng Liên... “Chúng tôi đang kỳ vọng Ngọc Chiến sẽ là điểm đến hút khách trong du lịch sinh thái của tỉnh Sơn La…”- ông Lù Văn Pháng tin tưởng.

Biến đất dốc thành đất vàng

Nông nghiệp là ngành sản xuất chính của Sơn La. Địa hình chia cắt phức tạp và diễn biến thời tiết, thiên tai có nhiều bất lợi, nhưng chưa bao giờ nông nghiệp Sơn La đạt được những than tựu lớn như hiện nay. Đó là Sơn La nổi lên như là 1 trong số ít tỉnh ở phía Bắc hàng trăm xuất khẩu hàng ngàn tấn rau, hoa, củ quả…

Có được thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình phát triển “tam nông” của cấp ủy, chính quyền, các ngành, Hội đoàn thể, địa phương ở Sơn La. Trong mỗi đổi thay của nông nghiệp Sơn La từ khâu quy hoạch cho đến tiêu thụ nông sản đều được đưa lên bàn nghị sự của các cấp lãnh đạo tỉnh. Hình ảnh các lãnh đạo của tỉnh tham gia quảng bá nông sản địa phương ngày càng nhiều.

Ông Hoàng Sương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La cho hay: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương vào cuộc thì Hội ND các cấp trong tỉnh cũng phải “chuyển động”. “Người ngoài tỉnh khi đến với Sơn La không khỏi ngỡ ngàng vì sự đa dạng của nông sản, về số lượng và chất lượng nông sản. Nhưng họ càng ngỡ ngàng hơn khi được biết rằng những nông sản ấy được làm ra từ những triền đất dốc - loại đất mà trong nông nghiệp người ta vẫn coi là kém hiệu quả nhất”- ông Hoàng Sương thổ lộ.

Cũng theo ông Hoàng Sương, trong phát triển nông nghiệp, Sơn La không chỉ thu hút đầu tư từ bên ngoài tỉnh, nước ngoài mà rất quan tâm đánh thức nội lực trong người dân để hình thành nên những lợi thế hàng hóa. “Lợi thế ấy khi được phát huy hiệu quả, trở thành hàng hóa thì Sơn La lại quan tâm hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân bằng cách mở rộng tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu… Năm 2018, Sơn La đã xuất khấu hàng ngàn tấn nông sản sang nhiều nước: Úc, Trung Quốc, châu Âu, Nhật…

Đến với những vùng đất dốc vốn “nổi tiếng” bởi đói nghèo của Sơn La tại các huyện như: Mường La, Bắc Yên, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Phù Yên… hôm nay đã thấy những khởi sắc vượt bậc. Trên chính những nương vườn từng bị bỏ hoang vì cằn cỗi, nay đã thành những vườn cây trái xum xuê.

Ông Hoàng Văn Nghĩa, ở xã Tú Nang, huyện Yên Châu nói: “Từ khi được tỉnh, huyện vào cuộc hỗ trợ, chúng tôi đầu tư ghép mắt xoài tượng, chăm bón, thu hái theo đúng quy trình nên mỗi ha xoài bây giờ thu cả trăm triệu đồng/năm. Xoài còn được bán sang cả Úc”.