Sau hơn một tháng tích cực truy xét, các lực lượng phối hợp gồm Cục Cảnh sát truy nã tội phạm với Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát – Bộ Công an và Phòng PC45 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tóm gọn đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt Nguyễn Thiên Hưởng, SN 1951, tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An khi hắn đang lẩn trốn tại một nhà người quen ở tỉnh Bình Dương. Trước khi bị bắt, Hưởng đã giả danh trung tướng quân đội móc nối với đối tượng Trần Văn Nhứt, SN 1958, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM giả danh đại tá công an lừa đảo nhiều người chiếm đoạt số tiền trên 6,5 tỉ đồng.
1. Mặc dù có một gia đình ổn định với 4 người con cả trai lẫn gái và gần chục đứa cháu nội ngoại nhưng cuộc đời của Nguyễn Thiên Hưởng luôn gắn với nghề “đạo chích”. Trong suốt nhiều năm qua, bỏ mặc ngoài tai lời khuyên can của vợ cùng những lời năn nỉ của các con, Nguyễn Thiên Hưởng (Bảy “cụt”, Bảy “lửa”) vẫn thường xuyên tham gia cấu kết với những phần tử xấu đáng tuổi con cháu mình thực hiện những vụ trộm cắp, lừa đảo.
Nhiều lần Hưởng bị Công an TP Vinh bắt quả tang nhưng vì trị giá tài sản trộm cắp, lừa đảo ở mức thấp nên hắn chỉ bị phạt vi phạm hành chính rồi giao về địa phương quản lý giáo dục. Với bề dày thành tích bất hảo, ở địa phương hắn bị mọi người xung quanh cảnh giác, né tránh. Khuyên can mãi không được, lại xấu hổ với bà con xóm giềng nên vợ con hắn cũng ít khi gần gũi.
Nguyễn Thiên Hưởng.
Năm 2013, nhận thấy không còn đất dung thân, Hưởng vào TP HCM ở nhờ nhà một người thân nhưng với bản chất lưu manh, chẳng bao lâu lại “ngựa quen đường cũ”, hắn tìm đến quận 12, Hóc Môn để lừa đảo.
Một lần đang cầm xấp hồ sơ nhà đất để “câu” một con mồi, Hưởng đã đụng mặt với Trần Văn Nhứt, một đối tượng cũng từng nhiều lần bị điểm mặt về các hành vi trộm cắp, lừa đảo. Ở lần giáp mặt ấy, cả hai đã lôi nhau ra một khu đất trống tính chuyện ăn thua đủ, nhưng sau một hồi cãi cọ qua lại để tranh giành “mối lừa”, Hưởng đề nghị Nhứt được làm lành và cùng “hợp tác làm ăn”. Thấy có lý, Nhứt đồng ý và cả hai đã cùng nhau thực hiện hàng chục vụ lừa đảo lớn nhỏ.
Đầu năm 2013, cả hai phải “bán xới” khi bị một đám giang hồ mới nổi do Dũng “choai” cầm đầu tranh giành mất lãnh địa. Bị Dũng “choai” điểm mặt và các nạn nhân truy tìm gắt gao, cả hai trốn về quê của Hưởng ẩn nấp, nhưng chỉ ít ngày sau, Nhứt nảy sinh “sáng kiến” tiếp tục tìm đến những điểm nóng về đất đai, buôn bán gỗ lậu… ở các tỉnh phía Bắc để lừa đảo. Bàn bạc xong, cả hai tìm đến một nhóm chuyên làm giả các loại quân phục công an, bộ đội ở Hà Nội mua một bộ quân phục cấp trung tướng quân đội và một bộ cấp đại tá công an cất sẵn trong túi xách.
Hai ngày sau đó, thông qua sự giới thiệu của một tay giang hồ mới quen, Hưởng và Nhứt đã tìm đến nhà một ông trùm đất ở tỉnh Bắc Ninh. Biết được người này đang cay cú vì thất bại trong việc lo giấy tờ cho một dự án xây dựng nhà ở, Nhứt liền chớp thời cơ rồi “nổ” rằng người bạn đi cùng là Bảy “lửa” – “Trung tướng quân đội”, hiện đang công tác tại Tổng cục II, Bộ Quốc phòng và cũng là “cố vấn đặc biệt cho Bộ Chính trị”. Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam, anh ấy bị thương, nhưng do có sức khỏe tốt, cùng với hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nên vẫn được giữ lại công tác.
Giới thiệu xong, Nhứt mở va ly lấy ra bộ quân phục, hai tờ giấy phôtô quyết định phong “danh hiệu anh hùng” nhưng đã nhòe nhiều chỗ và bảo: “Nói có sách, mách có chứng. Đây là quân phục của anh ấy nhưng vì tế nhị vả lại cũng muốn cho bình dân nên anh ấy không mặc. Còn hai tấm giấy quyết định này bị mờ là do ở đơn vị bị mối xông. Chuyện xin giấy phép làm dự án đối với anh Bảy “lửa” dễ như trở bàn tay. Do từng có thời gian cùng chiến đấu trong một đơn vị nên anh ấy mới giúp, chứ người khác thì không bao giờ bởi anh ấy thiếu gì tiền…”.
Trần Văn Nhứt tại cơ quan Công an.
Tin lời đường mật của Nhứt, gia đình này đã giao cho chúng nhiều lần với tổng số tiền lên đến trên 1 tỉ 230 triệu đồng và nhận được lời hứa chỉ trong 1 tháng sẽ hoàn tất giấy tờ. Tuy nhiên chờ đến cả năm mà không thấy hồi âm, gia đình này sinh nghi nhưng không thể liên lạc được với “ông tướng” vì số điện thoại đã bị thay đổi.
2. Trở lại với vụ án, những ngày sau Tết nguyên đán 2015, Công an tỉnh Hà Tĩnh liên tục nhận được đơn thư của người dân tố cáo có hai người đàn ông khoảng trên dưới 60 tuổi. Một người cụt chân và luôn tự xưng danh là Bảy “cụt”, Bảy “lửa”, là trung tướng quân đội công tác tại Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, một người xưng là đại tá công an công tác tại một tổng cục thuộc Bộ Công an có khả năng chạy giấy phép làm dự án bất động sản và đặc biệt là các loại giấy phép thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của các nạn nhân, bọn chúng đã thay đổi số điện thoại nên họ không thể liên lạc được.
Không thể để cho hai tên tội phạm này tiếp tục có cơ hội lừa đảo, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tung ngay trinh sát vào cuộc. Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành sàng lọc, xác minh tung tích đối tượng, các trinh sát đã xác định được hai cái tên Nguyễn Thiên Hưởng và Trần Văn Nhứt là đáng nghi vấn nhất. Tuy nhiên tại thời điểm ấy, hai tên này bỗng dưng ngừng mọi hoạt động tiếp cận dụ dỗ con mồi, nên các trinh sát được yêu cầu tiếp tục bám sát để thu thập chứng cứ củng hồ sơ trước khi đánh án.
Tang vật vụ án.
Ngày 12.3.2015, khi Nhứt đang giả danh đại tá công an giở trò lừa đảo một người dân ở Hà Tĩnh thì bị các trinh sát bắt quả tang. Riêng tên Hưởng nhanh chân trốn thoát nên đến ngày 20.3.2015, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định truy nã trên toàn quốc, đồng thời đề nghị Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Bộ Công an giúp đỡ để nhanh chóng truy bắt tên tội phạm này.
Trung tá Trần Ngọc Hà – Phó trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm cho biết: Ngay sau khi nghe tin tên Nhứt bị bắt, Hưởng đã nhanh chân trốn thoát và ẩn náu tại nhiều nơi, ở nhiều tỉnh khác nhau. Do tính chất phức tạp của vụ án, hơn nữa tên tội phạm này rất ranh ma quỷ quyệt, thường tìm đủ mọi cách hòng qua mặt Công an nên để nhanh chóng truy bắt được tên tội phạm này, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã được mời cùng vào cuộc.
Trải qua nhiều ngày đêm tra cứu tàng thư cùng với sự nỗ lực của các cán bộ trinh sát, đến chiều ngày 6.5, tên Hưởng đã bị tóm gọn khi đang lẩn trốn nhà người quen ở Bình Dương. Công tác lấy lời khai ban đầu đối với Hưởng cũng không hề dễ dàng bởi hắn tìm đủ mọi lý lẽ để quanh co chối tội. Đặc biệt hắn cứ thao thao bất tuyệt về quá trình tham gia quân đội chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Tây Ninh và TP HCM, và hắn còn bịa đặt rằng trong một lần đi hành quân, hắn đạp trúng quả mìn nên phải cưa mất một chân (thực tế là hắn bị tai nạn lao động). Chỉ đến khi lực lượng Công an đưa ra những bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội, Hưởng mới cúi đầu nhận tội.
Đại tá Trần Văn Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngay sau khi nhận được đơn thư tố cáo của các nạn nhân, trinh sát đã được tung ngay vào cuộc và nhanh chóng xác định được danh tính đối tượng cũng như hành vi, thủ đoạn của chúng.
Để thực hiện hành vi phạm tội, hai đối tượng Hưởng và Nhứt đi đến các tỉnh, thành lân la tiếp xúc, làm quen với một số cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành ở các địa phương rồi lòe các cá nhân, doanh nghiệp rằng mình có khả năng xin dự án, xin giấy phép đầu tư, giấy phép hoạt động trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, mua bán các loại gỗ quý… để các cá nhân và doanh nghiệp đưa tiền để từ đó chiếm đoạt.
Bước đầu, Cơ quan điều tra đã xác định Nguyễn Thiên Hưởng và Trần Văn Nhứt đã lừa đảo chiếm đoạt của 5 bị hại với tổng số tiền hơn 6,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định, bằng thủ đoạn trên, Hưởng và Nhứt còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều cá nhân và doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Trong các phi vụ làm ăn, đi đâu Nguyễn Thiên Hưởng cũng tự xưng mình là “Bảy” nên hầu như tên thật của hắn không ai biết, toàn bộ hồ sơ chỉ đạo đới tượng này làm và nhận tiền đều qua tài khoản của Nhứt.