Dân Việt

Đất cằn trồng bạt ngàn cây quả đỏ, lãi nửa tỷ đồng mỗi năm

Trần Hiền 14/09/2018 13:20 GMT+7
Khởi nghiệp chỉ với 50 cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất cằn, đến nay vườn thanh long của lão nông chân đất Nguyễn Văn Lợ (Gia Lai) đã tăng lên 2000 cây, cho thu nhập 600 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể nguồn thu hơn 100 triệu từ 6 sào na mỗi năm và tương lai không xa với 500 cây quýt đường.

Tiếng lành đồn xa, cách TP.Pleiku gần 100 cây số, trên tuyến đường Trường Sơn Đông chúng tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng vườn thanh long quả chín đỏ rực của gia đình ông Nguyễn Văn Lợ (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kong Chro, Gia Lai).

img

Vườn thanh long ruột đỏ rộng 2ha của ông Lợ

Theo chân ông Lợ ra vườn hái thanh long nhập cho khách, ông kể lại: “Trước đây, lúc mới dưới Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp đất đai khô cằn lắm, toàn sỏi đá trồng cây gì vào là chết cây đó. Nhà có thằng cháu làm ở Sở nông nghiệp, năm 2008 bên cơ quan nó có chương trình đưa giống thanh long này xuống trồng ở Đăk Pơ (Gia Lai), còn sót lại 50 gốc nên tôi mua lại luôn. Sau đó, từ 50 gốc thanh long này tôi đã lấy giống mở rộng ra 2ha với 2000 cây. Đây là loại cây ăn quả dễ trồng nhưng lại cực kỳ khó chăm”.

img

Trồng thanh long ruột đỏ sau 1 năm có thể thu hoạch

Với 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, mỗi năm ông Lợ thu về 60 tấn, giá bán tại vườn là 10.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình mỗi năm lão nông chân đất này thu về khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông lãi về 400 triệu đồng.

img

Một cây thanh long ruột đỏ mỗi năm có thể thu về hơn 30 kg, thu hoạch trong vòng 6 tháng

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông Lợ cho biết: “Đối với thanh long khi trồng rất dễ chỉ cần né mùa mưa ra, lúc cắm cành xuống đất không nên cắm quá sâu (khoảng 1 phân) là cây sẽ phát triển rất tốt. Còn việc chăm sóc phải tỉ mỉ, cần phải tỉa cành, loại bỏ những cành già để tạo độ thoáng cho cây phát triển. Muốn cây cho trái nhiều đợt, nhiều năm phải biết lượng sức cho cây, cây yếu nên để ít quả, chăm cây chứ không nên quá tham cây sẽ kiệt sức rất nhanh…”.

img

Thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến hết tháng 10 âm lịch, một tháng thu hái một lần

Cũng theo ông Lợ, sau 6 tháng thu hoạch xong mình cần phải tỉa cành nhanh chóng để cung cấp phân bón và nước cho cây mau lại sức. Phân bón thì chú trọng nhiều hơn đến phân chuồng và phân vi sinh. Đặc biệt, nguồn nước tưới phải là nước giếng thì cây mới phát triển tốt và ít bệnh tật.

img

Đặc biệt khi trồng thanh long cần phải né mùa mưa nếu không thăng long sẽ úng và chết

img

Theo ông Lợ, một cây chỉ nên để từ 50-70 cành, không nên để quá nhiều đặc biệt ở phía trong cần cắt tỉa cành già tạo độ thoáng cho cây

Không dừng lại ở mô hình cây thanh long, lão nông chân đất này còn sở hữu hơn 6 sào na, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cũng giống như thanh long, vườn na cũng được ông chăm sóc, tưới tắm bằng nước giếng. Theo ông quan niệm, riêng cây ăn quả phải được tưới bằng nguồn nước sạch (nước giếng) thì năng suất và chất lượng mới đạt. Toàn bộ diện tích trồng na và thanh long ruột đỏ đều được ông Lợ lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

img

Để tiết kiệm nước, toàn bộ khu vườn ông đều lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt

Hiện tại, trong khu vườn của lão nông này cũng đang xen canh khoảng 500 cây quýt đường. Đây cũng là hướng đi an toàn của ông trước khi thanh long rớt giá. “Không thể cứ độc canh được, nguy hiểm lắm, mai mốt chẳng may Hoàng Anh Gia Lai hoặc nhiều nơi khác trồng thêm loại thanh long ruột đỏ này sẽ rớt giá ngay. Quy luật cung cầu mà, trồng nhiều cây cho chắc chắn…”, ông Lợ bộc bạch.

img

Ngoài thanh long, ông Lợ cũng trồng thêm na mỗi năm cho thu về hơn 100 triệu đồng