Trong nước, lúc này người chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với một nỗi lo mới là dịch bệnh sau khi giá lợn mới tạm ổn định. Việc chưa có vaccine đặc hiệu điều trị và tỷ lệ chết đối với lợn mắc bệnh lên đến 100% càng khiến người chăn nuôi lo lắng.
Bệnh lây lan chóng mặt
Bệnh ASF được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên ở Kenya vào năm 1921 và sau đó lây lan ra nhiều nước. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến nay đã có 12 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Á xuất hiện ổ dịch. Tại Trung Quốc, bệnh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang và đến nay đã có đến 14 ổ dịch được phát hiện.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, tính đến ngày 10.9 đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo đã lây nhiễm bệnh. Tại Trung Quốc, hiện đã có 14 ổ dịch ở 6 tỉnh: Anh Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang. Bệnh vẫn đang lây lan xuống các tỉnh phía nam nước này.
Dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. ảnh: Agroday
Theo TS Michael Guillaume - cố vấn kỹ thuật chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Olmix tại Việt Nam, ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên mọi loại lợn và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Loại virus này lại sống rất dai, tồn tại rất lâu, cộng với cơ chế lây nhiễm cả trực tiếp và gián tiếp nên nguy cơ lây lan rất nhanh.
Virus gây bệnh ASF có thể sống trong các mô thịt, xương của heo từ 6 tháng đến 5 năm và rất khó bị tiêu diệt. Quá trình giết mổ, chế biến thịt hiện nay không diệt được loại virus này, do đó nó tồn tại trong thịt lợn được bày bán.
Ngoài lây nhiễm trực tiếp giữa lợn với lợn, bệnh còn truyền qua ký chủ trung gian khác là con ve mềm. “Bệnh gây thiệt hại rất nghiêm trọng với tỷ lệ chết đối với heo nhiễm bệnh lên đến 100%”- TS Michael cho biết.
Trong khi đó, theo bác sĩ thú y Đinh Xuân Phát, Bộ môn Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), sự nguy hiểm của dịch bệnh ASF là hiện chưa có vaccine đặc hiệu để điều trị. “Các giải pháp trị bệnh hiện nay là con số không. Virus này có đến 22 biến thể nên việc tìm ra vaccine đặc trị là rất khó”-TS Đinh Xuân Phát cho hay.
Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, tuy chưa ghi nhận dịch bệnh ASF xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh này rất cao, do Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới rất dài. Hầu như ở Trung Quốc có dịch bệnh gì thì ở Việt Nam xuất hiện dịch bệnh đó. Đây là điều rất đáng lo ngại khi ngành chăn nuôi mới chỉ phục hồi sau cơn bão giá.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, Trung Quốc phát hiện ổ dịch đầu tiên từ đầu tháng 8 thì đến nay đã có 6 tỉnh được ghi nhận xuất hiện bệnh. Cự ly xuất hiện từ ổ dịch đầu tiên đến ổ dịch mới được phát hiện lên đến hàng nghìn km. Điều này chứng tỏ tốc độ lây lan rất mạnh.
“Nếu xảy ra dịch bệnh, Đồng Nai sẽ là địa phương chịu thiệt hại rất nặng nề. Bởi với đàn lợn hơn 2,3 triệu con, Đồng Nai hiện được xem là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước” - ông Quang nhận định.
Siết kiểm soát – ưu tiên số 1
Ông Trần Hữu Trung, người chăn nuôi lợn tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, một số thương lái hiện nay
Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó cục Trưởng Cục Thú y, các địa phương cần phối hợp với Ban chỉ đạo 389 kiểm soát kỹ nguy cơ lây lan qua vận chuyển, mua bán nhập lậu không rõ nguồn gốc kể cả thịt chế biến, và sản phẩm cho, biếu tặng. Các hoạt động thương mại du lịch giữa các nước đang có nguồn dịch cũng sẽ được tăng cường quản lý, nhất là đối với các quốc gia đã lây nhiễm bệnh. |
vẫn nhập lợn sống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nhiều người chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không mấy để ý đến việc Trung Quốc đang bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nếu không sớm có các chương trình hành động cụ thể để ứng phó với dịch bệnh, nhất là tình trạng giết mổ lậu, việc kiểm soát kinh doanh lợn chưa được kiểm soát thì hoàn toàn có thể xảy ra việc lợn bệnh được tự do mua bán khắp nơi, đàn lợn Việt Nam sẽ dễ bị lây nhiễm.
“Nguy hiểm hơn nữa là nếu đã lây nhiễm, chúng ta không có đủ kinh phí để phòng chống như các nước trên thế giới. Việc phòng chống bệnh ASF cần sự vào cuộc của cấp Chính phủ mới xong”- ông Trung lo lắng.
Theo ông Anan Lertwilai, Trung tâm Chẩn đoán và cố vấn thú y Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, do chưa có vaccine đặc trị nên biện pháp duy nhất để đối phó là phát hiện sớm ổ dịch và tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh. Đối với Việt Nam, do chưa xuất hiện ổ dịch nên ưu tiên số một hiện nay là ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh.
Nghiên cứu về dịch bệnh ASF cho thấy việc lây lan bệnh chủ yếu qua đường hàng không. Bệnh lây nhiễm từ châu Phi qua châu Âu, châu Mỹ được ghi nhận là từ thực phẩm dư thừa của các chuyến bay. Cuối tháng 8, ở Hàn Quốc đã phát hiện thịt heo trong túi 2 du khách mang có chứa ASF ngay tại sân bay.
Do virus này sống rất lâu và dai dẳng nên trong thực phẩm làm từ thịt lợn vẫn có chứa mầm bệnh. Thực phẩm dư thừa trên các chuyến bay được tận dụng cho lợn ăn khiến mầm bệnh lây lan nhanh và rộng. “Phải kiểm soát được việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn mới tránh được mầm bệnh xâm nhập”- ông Anan khuyến cáo.
Trước đó, tại Hội nghị chia sẻ thông tin về bệnh ASF được tổ chức ở Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi cho biết Hội sẽ có công văn gửi Chính phủ kiến nghị các biện pháp ứng phó.
Trong tình huống dịch xảy ra, cơ quan thú y địa phương cần nhanh chóng xác định bệnh, nếu đúng là tả châu Phi sẽ tiến hành khoanh vùng và tổ chức tiêu hủy heo ngay lập tức. “Chúng ta phải chấp nhận hy sinh một nhóm chăn nuôi nhỏ để cứu đàn lợn và có hỗ trợ tài chính cho họ để phòng trường hợp bán chạy khiến dịch bệnh lây lan"- ông Công kiến nghị.