Dân Việt

Cải tạo bò thịt bằng thụ tinh nhân tạo, làm lợi hàng tỷ đồng

Nguyễn Quỳnh 12/09/2018 18:40 GMT+7
Ngày 11.9.2018, tại phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT Thái Nguyên tổ chức hội nghị sơ kết dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”.

Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị tham gia thực hiện dự án tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình cùng đông đảo bà con nông dân trong tỉnh Thái Nguyên.

Dự án làm lợi hàng tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay, mục đích của dự án này là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đàn bò tại các vùng chăn nuôi chính; đáp ứng một phần nhu cầu thị trường trong nước và chuyển hướng chăn nuôi bò truyền thống sang bán thâm canh và thâm canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nông hộ.

img

   Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên). ảnh: Nguyễn Quỳnh

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hải-Chủ nhiệm Dự án, mục tiêu của dự án nhằm cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt bằng TTNT theo hướng Zebu và sử dụng tinh đực giống BBB. Áp dụng quy trình kỹ thuật bỗ béo bò thịt nhằm tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cụ thể: Trong năm 2018 dự án đã xây dựng được 10 mô hình với 20 điểm trình diễn. Trong đó, có 5 mô hình cải tạo chất lượng bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT với quy mô 1.016 bò cái được thụ tinh nhân tạo. Tỷ lệ có chửa/tổng số bò phối giống ≥ 70%, khối lượng bê sơ sinh ≥ 20kg; xây dựng được 5 mô hình vỗ béo bò thịt với quy mô 1.025 con.

Với mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật TTNT, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ cho ra đời khoảng 1.016 con bê lai. Hiện, bò lai 1 tuổi có giá cao hơn bò nội khoảng 6 - 6,5 triệu đồng/con, như vậy giá trị thu được của dự án chênh lệch khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng.

img

Đông đảo người dân tham quan mô hình tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: N.Q

Đặc biệt, bò BBB có giá trị cao hơn bò nội 12-13 triệu đồng/con, như vậy giá chênh lệch cùng thời điểm sẽ vào khoảng 7,3-7,5 tỷ đồng. Mặt khác, do áp dụng TTNT nên không tốn chi phí nuôi bò đực giống và chi phí tiền chữa bệnh do sử dụng đực giống gây nên.

Đối với mô hình nuôi bò vỗ béo, sau 3 tháng triển khai đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, trong đó tại Hòa Bình, mỗi con bò sau 3 tháng vỗ béo cho lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng, cao hơn 12-15% so với các hộ không tham gia dự án.

Học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích

Là một trong số những hộ tham gia dự án, ông Nguyễn Đức Huyền ở xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) bày tỏ: “Tham gia dự án tôi được tập huấn về quy trình chăm sóc quản lý bò, kỹ thuật phát hiện động dục, xác định thời điểm phối giống thích hợp để có tỷ lệ thụ thai cao, kỹ thuật thụ tinh bằng tinh cọng rạ... Ngoài ra, chúng tôi được hỗ trợ 50% tinh bò cao sản để phối giống, thức ăn hỗn hợp cho bò cái chửa, hỗ trợ công tác kỹ thuật, hướng dẫn phối trộn lên khẩu phần thức ăn cho bò. Sau khi tham gia dự án tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức hữu ích trong chăn nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả cao”.

Các đại biểu tại hội nghị cũng nhận định, từ hiệu quả kinh tế bước đầu cho thấy dự án hoàn toàn có khả năng nhân ra diện rộng. Một mặt giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm cho người dân nông thôn, mặt khác, thông qua các hoạt động của dự án như tập huấn, tham quan hội thảo sẽ có tác động tích cực đến người dân trong vùng dự án.

Đặc biệt là giúp bà con được trang bị các kiến thức cơ bản về TTNT cho bò, kỹ thuật vỗ béo bò thịt..., tạo thành nghề có thu nhập ổn định. 

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” có quy mô 1.016 con bò cái được cải tạo và 1.025 bò được vỗ béo, triển khai ở các tỉnh Đăk Lăk, Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái và Lào Cai.