Đánh úp bất ngờ cuối phiên
Khá lâu rồi, TTCK Việt Nam mới lại có phiên giao dịch với nhiều cảm xúc như phiên giao dịch ngày 12.9. Cụ thể, phiên giao dịch sáng 12.9, VnIndex đã tăng mạnh nhờ lực đẩy từ 3 phiên giao dịch tích cực trước đó. Động thái tăng mạnh từ đầu phiên đã kích thích lòng tham của nhà đầu tư khi mà thị trường đè nén đã quá lâu quanh ngưỡng 960-990 điểm, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường.
Tuy nhiên, một lần nữa, sự hứng khởi của nhà đầu tư giảm dần khi đi vào giờ giao dịch buổi chiều. Áp lực bán mạnh và dứt khoát trong nửa cuối phiên chiều 12.9 đã khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ đến kịch bản điều chỉnh cho VnIndex. Và phải nhờ tới nhóm dầu khí duy trì đà tăng tốt, TTCK Việt Nam mới níu giữđược sắc xanh nhạt ở thời điểm kết thúc phiên.
Sau những tín hiệu tích cực trong phiên giao dịch sáng 12.9 với vai trò dẫn dắt thị trường và chỉ số VnIndex của GAS, VIC cùng nhiều bluechip khác. Tới phiên giao dịch buổi chiều 12.9, các chỉ số đã đột ngột quay đầu lao dốc khiến VnIndex tuột mốc 990 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC do áp lực bán gia tăng tại nhóm bluechip, đặc biệt là nhiều mã trong nhóm VN30 quay đầu giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, VnIndex tăng 1,95 điểm (0,2%) lên 987,01 điểm. HNX-Index tăng 0,22 điểm (0,2%) lên 111,65 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12.9, VnIndex tăng 1,95 điểm (0,2%) lên 987,01 điểm (Ảnh: I.T)
Khối ngoại trên thị trường vẫn duy trì được sự tích cực với việc mua vào 14,3 triệu cổ phiếu, trị giá 649 tỷ đồng, trong khi bán ra 11 triệu cổ phiếu, trị giá 467 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 3,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 181,6 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp, với giá trị giảm 63,8% so với phiên trước và đạt 175 tỷ đồng, tương ứng 3,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, trong 4 phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại sàn HOSE đã mua ròng tổng cộng 941 tỷ đồng.
Cổ phiếu GEX dẫn đầu về giá trị mua ròng trên sàn HOSE với gần 50 tỷ đồng. Tiếp theo, cổ phiếu VCB và VNM được mua ròng lần lượt 36 tỷ đồng và 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VJC bị bán ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ đạt khoảng 9 tỷ đồng. NCT cũng bị bán ròng khoảng 8,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu VJC đứng đầu danh sách bị bán ròng nhưng giá trị giao dịch chỉ đạt khoảng 9 tỷ đồng (Ảnh: I.T)
Nhóm cổ phiếu lớn, trụ cột thị trường đa số đà tăng bị chặn lại như VIC chỉ còn tăng 0,2% lên 101.400 đồng; VHM tăng 0,3% lên 104.000 đồng; VNM tăng 0,3% lên 132.400 đồng; MSN tăng 0,11% lên 92.600 đồng.
GAS vẫn giữ được mức tăng 5,3% lên 109.000 đồng, qua đó góp phần lớn khiến chỉ số không rơi xuống tham chiếu. Ngoài ra, các cổ phiếu dầu khí khác song hành cùng GAS, nhưng mức tăng không gần như không đổi so với phiên sáng là PLX tăng 1,4% lên 71.000 đồng.
Các nhóm còn lại, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng lớn đã nới rộng đà giảm là nguyên nhân không nhỏ kéo theo lực bán lan rộng. Theo đó, VCB giảm 0,6% xuống 62.600 đồng; BID giảm 1,6% xuống 35.750 đồng; CTG giảm 1,7% xuống 26.500 đồng; TCB giảm1,6% xuống 25.000 đồng.
Góp thêm vào sự đi xuống của thị trường còn có HPG giảm 1,2% xuống 39.500 đồng; VRE giảm 1% xuống 37.900 đồng; MBB giảm 1,1% xuống 22.750 đồng; SSI giảm 1,6% xuống 31.700 đồng. Cùng với đó là sắc đỏ của SAB, VJC, VPB, DHG, FPT, BMP, GMD...
Tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng khoảng 144,79 tỷ đồng sau khi giá trị giao dịch của cổ phiếu VIC tăng 0,2% lên 101.400 đồng (Ảnh minh họa)
Trong số các tỷ phú USD Việt Nam, người duy nhất được hưởng niềm vui sau phiên giao dịch hôm nay là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Theo tính toán, tài sản chứng khoán của ông Vượng đã tăng khoảng 144,79 tỷ đồng sau khi giá trị giao dịch của cổ phiếu VIC tăng 0,2% lên 101.400 đồng.
Trong khi đó, việc cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát và cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet lần lượt giảm 1,2% và 0,3% đã khiến tài sản chứng khoán của hai tỷ phú Trần Đình Long và Nguyễn Thị Phương Thảo sụt giảm hàng chục tỷ đồng.
VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng vốn lên 23.288 tỷ đồng
Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) vừa thông báo sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, VRE dự kiến phát hành 427,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 22,5% vốn điều lệ. Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn cổ phần lũy kế tính đến 31.12.2017.
Thời gian thực hiện từ nay đến cuối năm 2018. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Công ty dự kiến tăng lên 23.288 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu VRE đạt 3.134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.162 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 15% và 5,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu 6 tháng chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư (chiếm 90%), hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong kỳ sụt giảm trên 36%.