Dân Việt

Sứ thần nước Việt và câu đối để đời treo ở Thiên An Môn

Nguyễn Thanh Điệp 15/09/2018 16:32 GMT+7
Trong chuyến đi sứ nhà Thanh, Nhữ Trọng Thai đã làm một câu đối hoàn hảo, khiến triều đình phương Bắc nể phục, cho treo ở cổng Thiên An Môn.

Nhữ Trọng Thai sinh ra trong gia đình khoa bảng ở xã Hoạch Trạch, huyện Đường An (Hải Dương). Sau khi đỗ thám hoa dưới triều Lê Thuần Tông, ông ra làm quan cho nhà Hậu Lê. Một lần mang quân đi dẹp loạn thất bại, ông bị cách hết chức vụ, phải về quê sống.

Sau khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc  Hà, hưởng ứng lời kêu gọi của vua, Nhữ Trọng  Thai gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn, trở  thành  nhân sĩ đắc lực của vua Quang Trung.

Chuyến đi sứ có một không hai

Sau khi đánh đuổi hơn 200.000 quân Thanh xâm lược vào Tết Kỷ Dậu (1789), uy thế của triều đại Tây Sơn rất lớn. Tuy nhiên, vua Quang Trung nhận định nhà Thanh “sau khi bị nhục một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế, việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân”.

Với quan điểm đó, vua thi hành chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, chủ động sai sứ triều cống, xin đặt quan hệ ngoại giao. Hoàng đế Càn Long cũng nghe danh vị vua dũng mãnh, tài cao của nước Việt nên chấp thuận, có lời mời Quang Trung sang dự lễ mừng thọ 80 tuổi của mình.

img

Quang Trung đại phá quân Thanh.

Theo kế của Ngô Thì Nhậm, tháng 1.1790, vua Quang Trung sai người đóng giả mình cùng đoàn sứ bộ hơn 150 người, gồm các quan văn võ cao cấp như Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc, Nhữ Trọng Thai... sang Trung Quốc (vua Quang Trung có đi sứ hay không hiện còn nhiều tranh luận).

Tại Bắc Kinh, đoàn sứ bộ đã được hoàng đế nhà Thanh tiếp đón rất long trọng. Theo Đại thanh thực lục, số tiền Càn Long chi tiêu để đón tiếp phái đoàn lên tới 800.000 lạng bạc.

Về phía triều đình Tây Sơn, trong chuyến đi này, những sứ thần tiêu biểu như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nhữ Trọng Thai... đều chứng minh được trí tuệ hơn người của mình, khiến triều đình phương Bắc phải nể phục. Trong đó, sứ thần Nhữ Trọng Thai với câu đối xuất sắc được mang treo ở cổng Thiên An Môn (Bắc Kinh).

Câu đối để đời của sứ thần nước Việt

Theo sách Sứ thần Việt Nam, đoàn phái bộ nước ta sang nhà Thanh đúng dịp vua Càn Long tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi và 55 năm ở ngôi hoàng đế. Khắp nơi cờ hoa, đèn nến trang trí rực rỡ, lung linh đủ sắc màu.

Cửa Thiên An Môn treo một vế đối mừng viết trên tấm lụa hồng lớn mang ý nghĩa chúc tụng: “Long phi cửu ngũ, ngũ thập ngũ niên, ngũ số hợp thiên, ngũ số hợp địa, ngũ đức tu, ngũ hành dụng, ngũ phúc lung linh hàm phượng liễu”.

Vế đối này có nghĩa là: “Trên ngôi cửu ngũ, trị vì 55 năm, số năm hợp với trời, số năm hợp với đất, sửa mình theo năm đức, trị nước theo ngũ hành, năm phúc chầu vào liễu phượng”.

img

Câu đối để đời của sứ thần nước Việt. Tranh minh hoạ: Báo Bình Phước.

Sau ngày làm việc và hành lễ, quan bộ Lễ nhà Thanh dẫn một số đại thần trong đoàn sứ của nước Việt đi ngoạn cảnh và đến trước Thiên An Môn. Đại thần Mãn Thanh chỉ lên vế đối có ý nói mời bên ta đối lại.

Nhữ Trọng Thai hỏi ngày tháng sinh của vua Càn Long rồi mượn giấy bút viết ngay vế đối: "Thánh thọ bát tuần, bát phùng bát nguyệt, bát thiên vi xuân, bát thiên vi thu, bát nguyên tiến, bát khải đăng, bát tiên cổ vũ hạ nghê thường".

Vế đối lại có nghĩa: "Thánh thọ 80 tuổi, sinh ngày 8 tháng 8, tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu, tám bậc hiền tới, tám bậc tài về, tám tiên múa nghê thường mừng thọ".

Trong vế đối này, Nhữ Trọng Thai đã vận dụng nhiều điển cố, tích cũ. Theo đó, câu “tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu” vốn bắt nguồn từ tích Thiên Tiêu diêu du ở sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử, ở đây có ý ca ngợi vua Càn Long sống thọ.

Còn câu “tám bậc hiền triết, tám bậc tài năng” bắt nguồn từ sách Tả truyện có chép: Thời vua Chu Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Tân có tám người tài giỏi, thiên hạ đều gọi đó là “bát nguyên”; “tám khải” cũng là chỉ kẻ sĩ tài đức. “Khải” có nghĩa là hòa nhã, hành động hòa nhã với mọi sự vật.

Sách Tả truyện chép: Cũng thời vua Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Dương có 8 người tài giỏi, thiên hạ gọi đó là “bát khải”. Câu đối có ý ca tụng một vị vua có tuổi thọ sống lâu, có nhiều nhân tài quy tụ phù tá thì ắt làm cho thiên hạ no ấm, cuộc sống yên ổn thái bình, khiến cho thần tiên trên trời cũng phải múa hát mừng vui.

Vế đối của Nhữ Trọng Thai không chỉ quá hay mà còn thể hiện trí tuệ sâu sắc, học vấn uyên thâm và kiến thức rộng mở, khiến vua quan nhà Thanh ai ai cũng khen ngợi. Sau đó có lệnh truyền viết câu đối này vào một tấm lụa hồng treo một bên cửa Thiên An Môn, cùng vế đối được treo trước đó đã tạo thành câu đối hoàn chỉnh mừng ngày đại lễ chúc thọ Càn Long 80 tuổi...

Bằng trí tuệ của mình, Nhữ Trọng Thai đã để lại vế đối lưu danh muôn đời, qua đó chứng minh được trí tuệ của người Việt. Đây không khác gì tác phẩm nghệ thuật ở lĩnh vực ngoại giao, một tác phẩm làm nên bằng trí tuệ độc đáo và học vấn uyên thâm.