Không như nhiều thanh niên khác, ly hương tìm việc ở các khu công nghiệp, Chi lại quyết gắn bó và làm giàu trên mảnh đất quê hương Tam Điệp (Ninh Bình - nơi lấy bối cảnh quay bộ phim nổi tiếng Kong skull island, hiện đã trở thành một địa điểm du lịch) với mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi các cây – con đặc sản.
Dọc con đường bê tông dẫn vào trang trại của Chi, hai bên đường là những rừng keo, vườn cây ăn quả xanh tốt, xen lẫn những mảnh đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc và nghệ để lấy củ; xung quanh trang trại được quây bằng lưới B40 gọn gàng, ngăn nắp và vô cùng khoa học, cho thấy chủ nhân của nó, dù còn trẻ nhưng rất có tầm nhìn.
Đỗ Văn Chi chăm sóc đàn hươu sao.
Sở dĩ Chi chọn con đường làm nông là vì muốn thực hiện nốt ý nguyện của cha mình, khu rừng keo, cây ăn quả đang lên xanh tốt có công sức của cha Chi gây dựng với tâm niệm “đất cằn nhưng biết cách khai thác cũng sẽ nhả vàng”.
Nhưng khi Chi đang học lớp 11 thì bố mất, từ ấy chàng trai nhỏ bé, hiền lành, có nụ cười tươi rói càng quyết tâm phải cho đất “nở hoa”. Để “chắc ăn”, anh tham gia học trung cấp thú y để có thể thực hiện được ý định thành lập một trang trại chăn nuôi con đặc sản.
Nhận thấy nghề nuôi hươu lấy nhung ở địa phương đang phát triển, các hộ cũng liên kết giúp đỡ nhau sản xuất nên Chi quyết định dốc vốn liếng mua 2 cặp hươu sao về nuôi. Để đảm bảo cho hươu sống trong điều kiện hoang dã nhất có thể, Chi quây một khu riêng đủ lớn, có cây cối để hươu phát triển.
“Nuôi hươu không quá khó, thức ăn cũng dễ kiếm chỉ là các loại cỏ, lá cây, lúc hươu mọc nhung cần chế độ chăm sóc đặc biệt để nhung đạt trọng lượng. Hươu đực sau 2 năm là bắt đầu cho nhung, mùa khai thác lộc nhung chủ yếu vào mùa xuân” – Chi cho biết.
Đến nay, Chi đã có 70 con hươu sao, mỗi năm chỉ cần cắt được hơn chục cặp nhung là Chi đã đút túi cả trăm triệu đồng. Kế bên khu nuôi hươu là khu nuôi lợn rừng với khoảng 60 con.
Chi hiện có 60 con lợn rừng nuôi theo kiểu bán hoang dã.
Không chỉ nuôi hươu, lợn rừng, Chi còn nuôi 500 con gà thịt và gà đẻ trứng. Mỗi ngày, anh thu hoạch được hơn 300 quả trứng gà, bán với giá từ 3.500- 4.000 đồng/quả.
Với 8ha đất đồi, ngoài trồng keo, nhãn, vải, Chi còn mạnh dạn đưa vào thử nghiệm trồng 200 gốc mít Thái và tre măng Bát Độ. Nếu mít Thái phát triển tốt, Chi sẽ đầu tư dây chuyền sấy khô.
Điều đáng ghi nhận là, Chi còn khép kín mô hình của mình bằng việc cùng các hộ chăn nuôi ở địa phương thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn Tam Điệp, Chi được bầu làm Phó Giám đốc HTX. Mục tiêu của HTX là để các thành viên hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản và dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho nông sản ở Đông Sơn. Hiện, HTX đã xây dựng được chuỗi tiêu thụ khép kín với 50 hộ tham gia, sản phẩm chủ yếu là các đặc sản của Đông Sơn và TP.Tam Điệp.
Với mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm Đỗ Văn Chi có thu từ 500-600 triệu đồng. Ước mong của Chi là có thêm vốn để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, khai thác tốt tiềm năng đất đồi rừng của quê hương, đưa Đông Sơn trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không xa.