Thủ tướng Winston Churchill - người lãnh đạo nước Anh trong Thế chiến 2. Ảnh: Getty.
Vào năm 1940, sau khi đánh bại và chinh phục nước Pháp, Trùm Phát xít Adolf Hitler bắt đầu nghĩ tới chuyện tấn công và thôn tính nước Anh. Tuy nhiên, trước một lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh hùng mạnh, Hitler hiểu rõ rằng việc độ bổ sẽ cực kỳ khó khăn nếu không có sự yểm trợ của không quân.
Do đó, Đức Quốc Xã đã nhanh chóng vạch ra chiến dịch đánh bom đường không cực lớn để buộc London phải đàm phán hòa bình hoặc ít nhất là chiếm được ưu thế trên không để triển khai kế hoạch xâm lược nước Anh mang tên Chiến dịch Sư tử Biển bằng hải quân.
Không có sự trợ giúp của đồng minh Pháp, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) phải một mình đối mặt với Không quân Đức Quốc Xã (Luftwaffe) được chỉ huy bởi Thống chế Hermann Goering từ ngày 10.7.1940 cho tới 31.10.1940.
Phi công trẻ nhất của Anh trong cuộc chiến là Geofrey Wellum. Khi tham gia chiến đấu, Wellum mới chỉ là một thiếu niên. Ông Wellum đã qua đời ở tuổi 96 vào hồi tháng Bảy vừa rồi. Ảnh: NC.
Vào thời điểm bắt đầu Trận chiến nước Anh, RAF chỉ có khoảng 650 máy bay chiến đấu còn Luftwaffe có tới 2.500 máy bay chiến đấu, ném bom – tức là người Anh bị Đức Quốc Xã áp đảo với tỷ lệ 4-1.
Trên trên bầu trời phía nam xứ sở sương mù, các cuộc không chiến chủ yếu diễn ra giữa những chiếc Spitfire, Hurricane (Anh) và Messerschmitt, Junkers (Đức Quốc Xã).
Tuy nhiên, dù bị áp đảo về số lượng, nước Anh mới là người chiến thắng. Cụ thể, các số liệu lịch sử đều thống nhất rằng khi Trận chiến nước Anh kết thúc, Đức mất tới 2.500 phi công, thành viên phi hành đoàn. Trong khi đó, Anh chỉ mất 544 phi công – tính ra các phi công Anh chỉ có tuổi thọ khoảng 4 tuần trong suốt cuộc chiến.
Đặc biệt, vào cao điểm ngày 15.9.1940, Đức đã tung ra một cuộc đánh bom cực lớn nhằm vào London. Trong ngày này, có khoảng 1.500 máy bay tham gia không chiến. Kết thúc, phía Đức mất 60 máy bay còn Anh chỉ mất 26 máy bay.
Thua đau, Hitler đã phải quyết định tạm dừng chiến dịch xâm lược của mình và cuối cùng phải chuyển qua việc đánh bom ban đêm để giảm thiệt hại.
Các máy báy Spitfire, Hurricane đều có độ linh hoạt, tốc độ tốt hơn hẳn Messerschmitt và Junkers của Đức. Ảnh: Getty.
Theo Daily Stars, bên cạnh lòng dũng cảm của các phi công RAF, chính công nghệ radar là thứ vũ khí chủ chốt, giúp London phát hiện sớm các cuộc tấn công, đánh bom của kẻ địch và qua đó dành ưu thế hơn hẳn Luftwaffe. Ngoài ra, các máy bay Spitfire và Hurricane cũng có tốc độ, độ linh hoạt và ổn định hơn hẳn các máy bay Messerschmitt, Junkers.
Như một minh chứng cho chất lượng của máy bay chiến đấu Anh, khi được hỏi Luftwaffe cần gì để chiến thắng, Adolf Galland – phi công hàng đầu của Đức vào thời điểm ấy – đã nói với chỉ huy của mình rằng: “Một phi đội Spitfire”.
Được biết, vào hôm nay (15.9), nước Anh sẽ kỉ niệm 78 năm Trận chiến nước Anh. Trong thời điểm hiện tại, chỉ còn có 6 cựu phi công từng tham gia trận chiến còn sống cho tới bây giờ. Một trong số đó là ông Archie McInnes – người vừa cất cánh một chiếc máy bay chiến đấu Spitfire ở độ tuổi 99.