Trong số những nhân tài đất Việt thời phong kiến, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Hinh là 3 nữ tri thức tiêu biểu nhất.
Nhờ học hành chăm chỉ, cả ba bà không chỉ nhận được sự kính trọng của xã hội đương thời, còn là tấm gương chiếu sáng muôn đời cho hậu thế noi theo.
Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ
Theo sách Những người thầy trong lịch sử Việt Nam, Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ chính là vị nữ quan đầu tiên của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà cũng được cho là nữ nhà giáo đầu tiên dạy học trong cung đình.
Sinh ra tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình ngày nay), vốn thông minh từ nhỏ, hơn 10 tuổi bà đã thuộc hết sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, thông hiểu y dược, âm luật, lịch số, các môn đều thấu hiểu đến uyên bác. Mới 15 tuổi, bà đã nổi tiếng khắp phủ Tân Hưng.
Tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi Viên. Ảnh: Tạp chí Văn hóa & Nghệ thuật.
Chính nhờ tri thức vượt tầm so với những người phụ nữ lúc bấy giờ tạo nên mối cơ duyên giữa bà với Nguyễn Trãi - bậc khai quốc công thần của nhà Lê. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, bà nhiều lần thay Nguyễn Trãi soạn thảo một số công văn, thư từ, thậm chí còn viết thư chiêu hàng tướng giặc.
Sau khi nhà Lê thành lập, bà được vua Lê Thái Tông phong làm Lễ nghi học sĩ, chịu trách nhiệm dạy các cung tần, mĩ nữ những lễ nghi, phép tắc của triều đình.
Cách dạy học của bà rất sáng tạo, tự tay bà viết giáo trình dạy các cung nữ. Cũng trong thời gian này, bà nhiều lần xin chỉ dụ của nhà vua để mở mang học vấn cho nhân dân, khuyến khích phụ nữ đọc sách thánh hiền.
Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Nguyễn Thị Duệ (1573-1654) là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Sau này, cảm phục tài năng, học vấn của bà, vua Mạc và chúa Trịnh đã sử dụng bà trong vai trò nhà giáo để dạy học chốn hoàng cung.
Sinh ra trong gia đình hiếu học ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Duệ đã bộc lộ tư chất hơn người.
Theo quy định thời đó, thi cử học hành chỉ dành cho nam. Thế nhưng, vì đức hiếu học, bà đã cải trang thành nam để được đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hội do nhà Mạc tổ chức ở Cao Bằng.
Ngày vua Mạc tổ chức đãi yến tiệc chúc mừng các tân khoa, nghi ngờ sĩ tử đỗ đầu có dáng dấp mảnh khảnh, yểu điệu thục nữ, vua tra hỏi. Không giấu được thân phận, bà đã thú thật với triều đình.
Tội của bà đáng ra phải bị phạt nặng, nhưng vì mến mộ tài năng của người con gái bé nhỏ ấy, vua Mạc chẳng những không trách tội mà còn phong cho bà làm Tinh Phi, đặt hiệu là Sao Sa.
Sau khi nhà Mạc sụp đổ, bà bị quân nhà Trịnh bắt, nhưng chúa Trịnh rất quý mến và trọng dụng. Khi Trịnh Tạc lên ngôi, đã cho tìm nữ học sĩ để dạy cung nhân, các quan trong triều đều tiến cử bà.
Không chỉ dừng lại ở việc dạy học, tại khoa thi năm 1631, đời vua Lê Thần Tông, bà còn tham gia làm giám khảo kỳ thi tiến sĩ.
Bà là người luôn khuyến khích người sau học tập. Mỗi tháng hai kỳ, sai người làm cỗ, họp sĩ tử tư văn hàng huyện lại, cho tập làm văn. Đề bài do bà ra, rồi sai người từ kinh đô mang về. Bài làm xong giao cho hội viên hội tư văn niêm phong lại rồi nộp cho bà.
Tự bà chấm bài, đúng hạn trả lại, đăng tên những người có bài làm và điểm tại văn chỉ. Việc ra bài, làm bài được tiến hành đều đặn. Thậm chí, bà còn trích 10 mẫu lộc điền để thưởng cho những tân tiến sĩ của làng luân phiên cày cấy, thu hoa lợi nhằm khuyến khích người sau gắng sức học tập.
Nữ nhà giáo nổi tiếng đất Thăng Long
Bà huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh quê ở Nghi Tàm, Hà Nội. Chồng của bà là Lưu Nguyên Ôn, cũng người Hà Nội, làm tri huyện Thanh Quan nên người ta thường gọi bà là bà huyện Thanh Quan.
Tranh vẽ bà Huyện Thanh Quan. Ảnh: NXB Kim Đồng.
Sinh thời, Bà huyện Thanh Quan không chỉ là người văn hay chữ tốt, có thể tự thay chồng thăng đường xử án, mà còn là nhà giáo nức tiếng đương thời.
Mến môn tài năng của bà, vua Tự Đức triệu bà vào cung để dạy cho các công chúa và cung phi với chức Cung trung giáo tập.
Đến kinh thành, bà được bố trí làm việc ở Viện Đoan Trang với chức Cung trung giáo tập dạy văn chương, lễ nghi, phép tắc cho các công chúa và cung nữ. Tại đây, các quan lại trong triều thường gọi bà với cái tên Lưu phu nhân.
Học trò thực sự của bà là những nữ tỳ, cung nữ. Họ gồm nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều rất tôn kính bà và thường tìm đến với bà để gửi gắm niềm tâm sự. Nói cách khác bà vừa là nhà giáo, vừa là người mẹ hiền.