Cảnh sát biển Nhật Bản đã phát cảnh báo yêu cầu tàu Trung Quốc ra khỏi vùng lãnh hải trên. Trước đó, từ ngày 28.1, lực lượng chức năng Nhật Bản đã phát hiện các tàu trên tại vùng tiếp giáp lãnh hải, nằm kề với vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku.
Ngày 30.1, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, các tàu hải giám của nước này đã “tiếp tục hoạt động tuần tra thông thường trên vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku". Theo cơ quan này, đội tàu này gồm tàu Hải giám 137, Hải giám 23 và Hải giám 46.
Điều đáng nói, vụ việc chỉ diễn ra một ngày, sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin, chính phủ nước này đã quyết định thành lập một lực lượng đặc biệt để nâng cao năng lực giám sát ở những vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
JCG đã chính thức quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm với 12 tàu tuần tra và 600 binh sĩ từ nay đến năm 2015 nhằm tăng cường hoạt động giám sát biển, đặc biệt ở những hòn đảo tranh chấp. JCG cũng gộp chi phí cho 20 tàu và 13 máy bay vào ngân sách của tài khóa 2013 đã được chính phủ thông qua. JCG cũng dự định đóng thêm mười tàu tuần tra loại lớn có độ giãn nước 1.000 tấn ngay trong năm nay, và cải tiến tàu cũ hiện có thành hai tàu tuần tra mang trực thăng để hỗ trợ đội quân trên.
Việc đóng tàu dự kiến hoàn thành vào năm 2014 và đến năm 2015, JCG sẽ hoàn thiện lực lượng 600 binh sĩ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều lần nhấn mạnh, việc thành lập đội quân bảo vệ Senkaku là nhằm đối phó với sự xâm nhập với mật độ ngày càng dày đặc và kéo dài hơn của các tàu Trung Quốc ở vùng đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Trong một động thái mới nhất, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 29.1 đã đề xuất gặp thượng đỉnh với Trung Quốc để tìm cách cải thiện quan hệ song phương trong thời gian qua do tranh chấp biển đảo gây nên.
T.V