Dân Việt

An Giang: Nước ở lưng chừng trời, ai ngờ lại hút người "sống ảo"

Khánh Hưng 16/09/2018 07:10 GMT+7
Những hồ chứa nước thuỷ lợi trên núi của cư dân vùng Bảy Núi (An Giang) ban đầu làm ra cốt chỉ để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoặc hồ hình thành sau khi khai mỏ đá. Ai ngờ, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, những cái hồ trên núi vùng Bảy Núi lại thành "Tuyệt tình cốc" ở miền Tây. Trong góc nhìn của những "phượt thủ" trẻ, hồ trên núi chẳng những độc đáo, mà còn rất đỗi nên thơ, cực kỳ phù hợp để chụp ảnh “sống ảo”

Cư dân miền núi An Giang sợ nhất cảnh thiếu nước vào mùa khô. Tập quán canh tác lúa mùa mỗi năm 1 vụ nhờ vào nguồn “nước trời” dần thay đổi, họ chuyển sang canh tác lúa 2 vụ, 3 vụ, sống nhờ rẫy vườn. Kể từ đó, nguồn “nước trời” không đủ đáp ứng nhu cầu của con người nữa. Vậy là, họ tự tạo ra nguồn nước của riêng mình, bằng cách của riêng mình: những ao hồ lưng chừng núi.

Khi các hồ chứa nước hoàn thành, người ta mừng rỡ vì nghĩ đến cảnh dư nước sinh hoạt, tưới tiêu, dễ dàng chống chọi qua mùa khô khắc nghiệt. Không ngờ, chúng lại mang đến tác dụng mới: thu hút du lịch, trở thành điểm nhấn của xứ Bảy Núi hùng vĩ mà dịu dàng.

img

Khung cảnh thơ mộng bên hồ Ô Thum, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Giới trẻ, “phượt thủ” càng đặc biệt yêu thích các điểm đến này. Trong góc nhìn của họ, hồ trên núi chẳng những độc đáo, mà còn rất đỗi nên thơ, cực kỳ phù hợp để chụp ảnh “sống ảo”.

Không độc đáo sao được, khi chiếc hồ khổng lồ xuất hiện từ bàn tay của con người, qua nhiều cơn mưa đã gom hết vào lòng hàng trăm ngàn mét khối nước, hóa giải “cơn khát” dữ dội ngày hè. Không nên thơ sao được, khi làn nước trong xanh êm ả dựa lưng vào vách núi gai góc, vững chãi phía sau.

Hồ nước gom cả màu xanh của cây, của trời, màu trắng của mây những ngày nắng đẹp, màu ghi xám bàng bạc những ngày mưa. Đứng trước hồ nước, con người cảm thấy mình nhỏ bé, tự tại, bình yên, lòng chợt dâng lên niềm yêu mến khôn xiết cảnh đẹp của quê hương.

Hầu như tôi đã dành cả quãng thời gian ở Bảy Núi chỉ để đi thăm thú hồ nước. Hồ Thủy Liêm, Thanh Long, Ô Tứk Sa (huyện Tịnh Biên), Soài So, Ô Thum, Ô Tà Sóc, Soài Chek (huyện Tri Tôn)... là những hồ nước có nét đẹp rất riêng, chẳng nơi nào giống nơi nào.

Nếu hồ Thủy Liêm, Thanh Long ẩn mình sau làn mây của “nóc nhà” núi Cấm, thì hồ Ô Tứk Sa nằm sâu trong con đường nhỏ, muốn đến nơi phải len lỏi theo con đường mòn đầy cát sỏi. Hồ Soài So gắn liền với dòng suối Vàng, được nhớ đến bởi màu xanh biếc, phẳng lặng và chiếc cầu bê-tông trắng nhoài ra một góc hồ.

Hồ Ô Thum lại được đánh dấu bằng chiếc cầu gỗ nhẹ tênh, nhưng lại điểm xuyết tuyệt đẹp cho khung cảnh hoang sơ, là sự giao hòa giữa đất trời thiên nhiên và dấu ấn của con người. Cứ thế, người ta có cách riêng để nhận dạng từng địa điểm hồ, như cách họ khắc sâu khung cảnh chúng vào lòng mình.

img

Hồ Tà Pạ (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được ví như "Tuyệt tình cốc" hút các "phượt thủ" trẻ đến check in "sống ảo. Ảnh: Trần Ngọc (Báo Vĩnh Long).

Rồi du khách tìm đến những hồ nước đặc biệt khác. Chúng là sự kết hợp giữa hành động ngẫu nhiên của con người và sự vô ý của đất trời. Hồ Tà Pạ, Latina (huyện Tri Tôn) không phải là hồ trữ nước, mà chỉ là các vùng trũng sau khi khai thác đá, bị “bỏ quên”.

Vậy mà, bẵng đi một thời gian, người ta lại hào hứng phát hiện: chúng đã tự lấp đầy khoảng trống trong lòng mình bằng nước mưa. Chúng không được trang điểm bằng màu xanh của núi rừng, mà nhờ vào màu trắng của hàng ngàn khối đá lớn nhỏ chất chồng xung quanh, tự nổi bật mình lên. Thiếu một chút hùng vĩ của những hồ nước nhân tạo, chúng lại thêm một chút phóng khoáng, kỳ bí riêng.

img

Hấp dẫn hồ Tà Pạ-được mệnh danh như "Tuyệt tình cốc" ở An Giang. Ảnh: Ngô Chuẩn (Báo An Giang).

Và rồi, dấu chân du khách nối tiếp nhau đến. Họ nhắc ngày càng nhiều đến 10 cái hồ ở lưng chừng Bảy Núi. Những quán nước nhỏ bắt đầu mọc lên cạnh hồ. Rồi quán ăn cũng mở ra theo. Có nơi đã tạo ra được món ăn “đặc sản” gắn liền với hồ nước: gà đốt Ô Thum.

Đó là món ăn truyền thống của người Khmer, chế biến từ thịt gà, với hương vị đặc trưng của lá chúc. Không ngờ, món ăn ấy làm say lòng du khách xa gần, nổi tiếng đến mức ai cũng cố tìm đến thưởng thức, phải chờ đợi để được mục sở thị con gà vàng ươm.

Kết quả, có cầu ắt có cung, cả một dãy quán gà đốt xuất hiện ngay chân hồ. Rời khỏi Ô Thum, người ta lại nhớ quay quắt món ăn thơm lừng ấy, cũng như quyến luyến cảnh sắc thơ mộng của chiếc hồ. Rồi họ hứa với lòng: sẽ có ngày quay lại nơi ấy. Người làm du lịch chuyên hay không chuyên chỉ mong mỏi có thế.

img

Hồ Ô Tà Sóc thơ mộng không kém, phong cảnh của hồ khiến bao "phượt thủ" trẻ phải nao lòng, ngẫn ngơ.

Dù đã được khuyến cáo rằng, tất cả lòng hồ đều rất sâu, nguy hiểm, không nên bơi lội, đùa nghịch để tránh sự cố đáng tiếc (đã nhiều lần xảy ra), nhưng vẫn có người thích chạm tay vào nước, thích đắm mình trong dòng chảy mát lạnh, thích ngồi ở bờ hồ câu cá giải trí.

Chiều chiều, bên bờ hồ Ô Tà Sóc, từng tốp khách, người dân địa phương rủ nhau đi câu cá, bơi lội, hóng mát... hưởng thụ các cơn gió phả vào người. “Cảnh đẹp như thế này, cá lại nhiều, không ra đây chơi thì uổng phí lắm”-  anh Hoàng (một khách vãng lai) tặc lưỡi.

Không thể phủ nhận, những hoạt động ấy càng làm cho không gian quanh hồ trở nên thư thái, bình yên. Hiếm khi con người bứt ra khỏi sự “khống chế” của điện thoại di động, Internet, mà toàn tâm toàn ý chìm đắm vào thiên nhiên đến như vậy.

Dự kiến, đến năm 2020, huyện Tri Tôn sẽ được đầu tư xây dựng 3 hồ chứa nước (Núi Dài 2, Đak-Lay, Cô Tô), huyện Tịnh Biên được đầu tư 2 hồ chứa (Tà Lọt, Suối Tiên). Chắc chắn, chúng sẽ trở thành điểm đến mới lạ, hấp dẫn cho du khách gần xa. Nếu có dịp đến vùng Bảy Núi, bạn hãy thử một lần thả hồn mình vào những hồ nước trên cao, lắng nghe tiếng thì thầm của thiên nhiên, để cảm nhận được cuộc sống quanh ta xinh đẹp biết nhường nào!