Dân Việt

Nhiều áp lực, ngành tôm chật vật trước mục tiêu 10 tỷ USD

Khánh Nguyên 19/09/2018 19:03 GMT+7
Dù đã đạt được thắng lợi trong đợt xem xét hành POR12 nhưng theo nhiều chuyên gia, những khó khăn của ngành tôm vẫn còn ở phía trước và mục tiêu đạt được con số 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2030 không dễ thực hiện.

Trở ngại ngay trước mắt chính là việc Cục Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) công bố Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) hay còn gọi là Chương trình truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng đối với tôm và bào ngư (bao gồm cả tôm nuôi), có hiệu lực thi hành từ ngày 31.12.2018.

img

Ngành nuôi tôm Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn do quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: T.L

Tại hội thảo “Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP) cho tôm và bào ngư” diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 8, bà Celeste Leroux - chuyên gia của NOAA cho biết, chương trình SIMP áp dụng với các lô hàng hải sản từ nước ngoài nhập vào thị trường Mỹ. Theo đó nhà nhập khẩu trong hồ sơ phải thường trú ở Mỹ và có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế hiện hành.

Ngoài ra, có hai loại thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc phải có. Đó là thông tin về thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo bằng điện tử tại thời điểm nhập khẩu thông qua hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) và hồ sơ chuỗi hành trình. Hồ sơ chuỗi hành trình là tài liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lúc thu hoạch đến điểm nhập cảng Mỹ, phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong 2 năm và có thể được yêu cầu xuất trình khi kiểm tra.

Tại hội thảo nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam đến năm 2025 trong khuôn khổ hội chợ Vietfish 2018, TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức ngành nuôi tôm Việt Nam cần khắc phục.

Đó là tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ với quy mô manh mún do phân tán đất sản xuất. Trong khi đó, nếu nuôi tôm diện tích nhỏ, người nuôi rất khó bố trí đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo khuyến cáo để quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn vốn, người nuôi không có khả năng tiếp cận đầu vào có chất lượng cao nên đành chấp nhận các đầu vào kém chất lượng. Hậu quả không chỉ là tăng rủi ro cho người nuôi mà cả doanh nghiệp chế biến cũng khó kiểm soát được chất lượng nguyên liệu chế biến.

Theo ông Lực, hai yếu tố hàng đầu đảm bảo sự thành công trong việc nuôi tôm là chất lượng con giống và nguồn nước. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước do quy hoạch hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện. Hơn nữa, tại Việt Nam hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất tôm giống (khoảng 1.700 cơ sở) nên việc kiểm soát chất lượng con tôm giống và tôm bố mẹ chưa được chặt chẽ.

Bên cạnh đó, ngành nuôi tôm Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng khu vực này còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông khiến quá trình vận chuyển sản phẩm kéo dài, làm giảm chất lượng thủy sản và tăng chi phí phát sinh. Một vấn đề khác là chi phí nuôi tôm ở Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trong khu vực do giá con giống, thức ăn đều cao, chi phí chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng ở mức cao.

Để nâng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, TS Hồ Quốc Lực đề xuất các giải pháp như quy hoạch vùng nuôi chi tiết hơn, có đầu tư thỏa đáng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thực hiện các vùng nuôi lớn, quy mô trang trại theo chuẩn quốc tế trên cơ sở thành lập hợp tác xã nuôi hoặc tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia và kiểm soát hệ thống cung ứng tôm giống chặt chẽ hơn.