TS. Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Zing.vn,liên quan đến việc lãng phí hàng nghìn tỷ đồng khi sách giáo khoa (SGK) chỉ sử dụng một lần, độc quyền, lợi ích nhóm trong in ấn, phát hành sách.
In SGK sử dụng nhiều lần tránh lãng phí là có cơ sở
Hai năm tới, khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, có cần yêu cầu Bộ GD&ĐT cấm việc cho ghi vào SGK để tái sử dụng, tránh lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà phụ huynh phải mua?
- Vừa rồi, dư luận cũng băn khoăn về việc ngày xưa đi học, SGK chỉ dùng để học, đọc thôi, còn bài tập thì làm vào vở nên một bộ SGK có thể dùng cả chục năm mà vẫn tốt.
Những năm gần đây do cách thức xuất bản SGK của chúng ta phần bài tập in luôn vào trong SGK. Học sinh có thể làm luôn bài tập vào sách nên hình thành thói quen là cứ hết một năm lại mua sách mới.
Điều này gây lãng phí lớn, vì một bộ sách chỉ được dùng trong một năm học rồi bỏ. Em không dùng lại được sách của anh, cũng không tặng lại được cho các học sinh ở vùng khó khăn.
Do đó, có những ý kiến cho rằng nên xem xét lại cách tổ chức, sản xuất, in SGK, làm thế nào để sách có thể sử dụng được nhiều lần, lâu dài để tránh lãng phí cho xã hội.
Đây cũng là một đề xuất có cơ sở, còn việc triển khai như thế nào sẽ do ngành giáo dục, các nhà xuất bản; ngoài ra còn do điều tiết của xã hội và thị trường. Chúng ta không thể đặt vấn đề cấm được, nếu không phù hợp, dư luận sẽ lên tiếng và cơ quan chức năng sẽ phải xem xét.
Làm thế nào để yêu cầu các nhà xuất bản (NBX) có trách nhiệm hơn trong việc in ấn, thay vì tái bản để sửa lỗi sai, buộc học sinh phải mua sách mới?
- Chúng ta không thể đặt vấn đề là do in sai rồi in lại được, in sai tức là chất lượng in ấn, chất lượng xuất bản có vấn đề thì phải nâng cao chất lượng xuất bản. Nguyên lý chỉ in lại khi sách có sửa chữa, bổ sung về nội dung; thiếu sách do in chưa đủ thì phải in bổ sung. Sách in không đảm bảo chất lượng có những sai sót không thể đính chính được bằng những cách thông thường thì phải in lại.
Đúng ra phải quy được trách nhiệm cho các NXB nhưng hiện tại dường như chúng ta chưa quy trách nhiệm cụ thể và chưa có chế tài để xử lý; còn nguyên tắc đã có sai sót là phải chịu trách nhiệm.
Phụ huynh phải gánh chi phí hoa hồng khi mua sách
Lâu nay, có tình trạng NXB chi hoa hồng cho trường, sở GD&ĐT rất cao (35-40%) khiến nhiều trường, sở rất hào hứng với việc bán sách, ép học sinh, phụ huynh mua càng nhiều càng tốt. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Việc này dư luận đã nói nhiều. Chúng ta đang có tình trạng độc quyền về sản xuất, phát hành SGK. Tất cả các khâu đều do một đơn vị đó là NXB Giáo dục hoặc các thành viên của NXB Giáo dục thực hiện.
Nhà trường, các địa phương cũng không có nhiều sự lựa chọn. Hiện, chỉ có một bộ sách nữa được áp dụng thí điểm song song đó là bộ sách Công nghệ giáo dục và nó cũng không đại trà như bộ SGK bình thường.
Vì vậy, việc áp dụng toàn diện thì chỉ có một bộ sách của NXB Giáo dục thôi nên gần như không có sự lựa chọn cho người dân, cho xã hội mà bắt buộc phải mua.
Còn về mặt kinh doanh, thị trường, các đơn vị kinh doanh được quyền làm những điều mà pháp luật không cấm để bán được hàng, có lợi nhuận. Việc chi tỷ lệ hoa hồng cũng là một giải pháp kinh doanh của đơn vị kinh doanh.
Trong bối cảnh người dân không có cơ hội lựa chọn buộc vẫn phải mua, chính vì thế cũng không hạ được giá thành SGK. Như vậy, người dân phải gánh chi phí hoa hồng mà cũng không có cơ hội lựa chọn, giá nào cũng phải mua.
Chủ trương sử dụng nhiều SGK mục tiêu cũng là để xã hội hóa trong việc phát hành SGK đồng thời để nâng chất lượng, hạ giá thành SGK, người dân sẽ được hưởng lợi. Việc này cũng có thể nâng cao chất lượng giảng dạy vì giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn SGK phù hợp nhất với mình.
Như ông nói, Quốc hội ra nghị quyết cho phép việc phát hành nhiều bộ SGK để tránh độc quyền, vậy việc này được quy định, thực hiện như thế nào?
- Quốc hội có Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và sau đó được sửa đổi bằng Nghị quyết 51 quy định rất cụ thể việc thực hiện.
Về lộ trình, thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.
Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới, bảo đảm không tăng kinh phí. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, SGK mới. Sau khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, SGK mới theo lộ trình trên.
Đến nay đã có bao nhiêu bộ sách, NXB tham gia?
- Nghị quyết không quy định việc này mà chỉ đưa ra chủ trương một chương trình, nhiều SGK. Việc tổ chức như thế nào là do ngành giáo dục và xã hội hóa. Trên cơ sở công trình công bố, các tác giả, nhóm tác giả có thể tổ chức biên soạn SGK và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bỏ độc quyền để tránh lợi ích nhóm
Bộ GD&ĐT xét duyệt các bộ sách đưa vào giảng dạy. NXB trực thuộc bộ nhiều năm nay độc quyền khiến dư luận đặt câu hỏi có nên tách hẳn NXB Giáo dục ra khỏi Bộ và cho cạnh tranh theo cơ chế thị trường?
- Về nguyên tắc, cạnh tranh trên thị trường phải bình đẳng, tránh ưu thế của các đơn vị thuộc cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, không chỉ riêng Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục, phải tách biệt hoạt động quản lý ra khỏi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc có các đơn vị nghiệp vụ trong các bộ, trong đó có NXB Giáo dục ở trong Bộ GD&ĐT, cũng có ưu thế nhất định cho đến hiện tại.
Ví dụ, Bộ GD&ĐT có thể chủ động việc in ấn phát hành SGK đảm bảo nhu cầu của người dân. Mặt trái của nó là độc quyền, không có điều kiện cạnh tranh, nên không giảm được giá thành, khó khăn trong việc nâng chất lượng.
Nghị quyết 88 quy định Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ SGK chung để dùng chung. Tuy nhiên, cách thức biên soạn bộ SGK này như thế nào việc tham gia của NXB Giáo dục đến đâu thì phải công khai minh bạch và đảm bảo sự bình đẳng giữa các tác giả, các NXB tổ chức biên soạn và phát hành. Bộ phải phát huy vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngay cả bộ SGK do NXB Giáo dục biên soạn nếu đơn vị này có được giao thì cũng phải thẩm định khách quan, công bằng với các tác giả và NXB khác. Đấy là về lý thuyết, còn trên thực tế giả sử Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn bộ sách dùng chung thì ưu thế vẫn đang thuộc về NXB Giáo dục với truyền thống, kinh nghiệm, NXB Giáo dục vẫn có kinh nghiệm trong việc này.
Theo ông, biện pháp nào sẽ giảm lợi ích nhóm, độc quyền trong việc in ấn phát hành SGK?
- Phát huy vai trò thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước làm đúng vai trò của mình tức là tạo điều kiện cho các nhóm tác giả, NXB khác có thể cạnh tranh công khai bình đẳng trong việc tổ chức biên soạn và phát hành SGK. Làm tốt điều việc đó, chúng ta mới giải quyết dứt điểm được độc quyền và lợi ích nhóm.