Chấp nhận phá bỏ cả một cơ ngơi nuôi, bảo tồn gà Mía rộng hơn 2ha để xây dựng Văn Miếu của thị xã Sơn Tây, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) được hứa cấp lại cho một diện tích khác để triển khai dự án. Tuy nhiên, sau 3 năm, đất mới vẫn chưa thấy đâu...
Gà tiến vua có nguy cơ thất truyền!
Gà Mía là giống gà nằm trong danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn theo Quyết định số 88/2005 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Thịt gà Mía thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Xưa kia, gà Mía được dùng làm lễ vật dâng thần thánh, cung tiến vua chúa, sau này là nét văn hóa ẩm thực gắn liền với vùng đất cổ Đường Lâm.
Việc bảo tồn giống gà quý hiện chỉ được thực hiện trong khuôn viên 200m2. |
Ngoài một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã Đường Lâm, Trạm phát triển chăn nuôi Sơn Tây, Hà Tây (cũ), nay thuộc Công ty HADICO là nơi bảo tồn hàng chục ngàn con gà Mía bố mẹ và ấp nở hàng trăm ngàn con gà Mía mỗi năm cung cấp cho khu vực Sơn Tây và các tỉnh phía Bắc. Đây là cơ sở chăn nuôi gà do Bulgari giúp đỡ xây dựng từ năm 1973 trên khuôn viên rộng 2,06ha, gồm một nhà 7 tầng dùng để bảo quản, ấp trứng, các dãy nhà ngang dùng làm chuồng nuôi gà trưởng thành.
Năm 2010, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi toàn bộ phần diện tích đất của trạm để xây dựng công trình phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Sơn Tây. Trước yêu cầu này, HADICO chấp nhận nhường hơn 2ha cùng với khu nhà 7 tầng... Khi di dời, trạm của HADICO được hứa là sẽ cho di dời vào khu đồi Búi Sơn, xã Kim Sơn.
Song suốt 3 năm qua, lời hứa của chính quyền thị xã Sơn Tây chưa được thực hiện.
Sai sót là do xã?
Sau khi phía HADICO bàn giao mặt bằng cho thị xã Sơn Tây xây dựng Văn Miếu, ngày 30.3.2010, UBND thị xã Sơn Tây ban hành Công văn số 275/UBND-BĐT cam kết giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho HADICO để tiến hành di dời cơ sở của Trạm Phát triển chăn nuôi Sơn Tây. Tuy nhiên, cho đến nay, cam kết này chưa được thực hiện. Hiện nay, Trạm Phát triển chăn nuôi Sơn Tây đang hoạt động ở khu nhà tạm chỉ vẻn vẹn 200m2 bên vệ Quốc lộ 32, không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, bảo tồn giống gà quý này.
Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là do những vướng mắc về thủ tục, trình tự thực hiện ở địa phương. Trao đổi với NTNN, ông Triệu Bá Phượng – Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết: Theo quy định, dự án này phải được họp dân lấy ý kiến, HĐND xã ra nghị quyết sau đó mới triển khai. Nhưng UBND thị xã lại có quyết định về việc giao đất trước khi thực hiện các bước trên. Chính vì vậy, việc giao đất vẫn chưa thể triển khai.
Ông Nguyễn Quang Sơn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây lại cho rằng, sai sót về quy trình như trên là do xã Kim Sơn. “Khi gửi tờ trình lên UBND thị xã, đáng ra Chủ tịch UBND xã Kim Sơn phải tiến hành lấy ý kiến HĐND xã, nhưng lãnh đạo UBND xã lại không làm như vậy”.
Theo ông Sơn, một vướng mắc khác là người dân lo ngại dự án ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, HADICO đã lập phương án, cam kết đảm bảo an toàn cho môi trường. Theo đánh giá của ông Sơn, các phương án đưa ra đã đảm bảo yêu cầu và chính quyền sẽ thực hiện lại các bước vận động, thuyết phục người dân. Tuy nhiên, ông Sơn cũng hứa, trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho dự án là của thị xã Sơn Tây và sẽ cố gắng thực hiện sớm.
Chính quyền thị xã Sơn Tây chỉ hứa như vậy, chứ không có một mốc thời gian cụ thể. Và như vậy, không chỉ phía HADICO mà chính những con gà Mía quý giá cũng đang “dài cổ” chờ dự án, trạm trại bảo tồn dành cho mình được thực hiện, để tránh nguy cơ mai một, thất truyền...
Bảo An