Địa phương kêu khó
Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về quy mô dân số, huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên; huyện còn lại từ 120.000 người trở lên; về diện tích tự nhiên: Huyện miền núi, vùng cao từ 850km2 trở lên; huyện còn lại từ 450km2 trở lên. Về tiêu chuẩn cấp xã, quy mô dân số xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã còn lại từ 8.000 người trở lên; diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên; xã còn lại từ 30km2 trở lên.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập là bài toán nan giải (ảnh minh họa). Ảnh: Thành An
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm cho biết, đối chiếu với quy định về diện tích và dân số, TP.HCM có 11/24 quận, huyện và 226/332 phường, xã - tức khoảng 50% cấp huyện và 70% cấp xã của thành phố sẽ bị sắp xếp lại theo đề án. Vì vậy, ông Lắm cho rằng không phải càng gọn, càng giảm thì càng tốt, mà phải phù hợp điều kiện địa lý, kinh tế để phát triển. Do vậy, việc sắp xếp nên giao địa phương xem xét, có cả kiến nghị nhập và kiến nghị tách cho phù hợp. Không chỉ TP.HCM mà hầu hết các đô thị lớn và thành phố trực thuộc T.Ư đều có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn. Một quận tại TP.HCM có gần 800.000 dân, có phường hơn 110.000 dân. Sáp nhập các đơn vị này liệu có giúp phát triển tốt hơn không?” - ông Lắm đặt vấn đề. |
Đối chiếu theo quy định trên, hiện có hơn 200 huyện và trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khoảng 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn.
Ông Vũ Bá Rồng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh, cho biết theo quy định của Nghị quyết 1211 thì 100% đơn vị hành chính cấp huyện và xã của Bắc Ninh không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, chỉ 1/8 đơn vị đạt trên 50% tiêu chí về mặt diện tích, 7 đơn vị dưới 50% sẽ phải sắp xếp trong khi hiệu quả quản lý, hoạt động đang rất tốt.
Ông Rồng cho rằng, Bắc Ninh trước 1975 có 106 đơn vị hành chính cấp xã, như vậy hơn 40 năm sau chỉ tăng hơn 10 đơn vị hành chính. Theo đó, yếu tố tồn tại của các đơn vị hành chính cấp xã gần như mang yếu tố lịch sử, thậm chí trước cả thời Pháp thuộc... “Nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí của Nghị quyết 1211 thì sẽ dẫn tới sự xáo trộn rất lớn của các địa phương trong cả nước” – ông Rồng nhận định.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn, đề án của Bộ Nội vụ cần nghiên cứu sâu vào 6 yếu tố cấu thành đơn vị hành chính, đặc biệt là yếu tố phong tục tập quán, xem xét trong mối liên hệ hài hòa với tiêu chuẩn về diện tích và dân số.
“Những tiêu chí về diện tích và dân số trong Nghị quyết 1211 là khá cao” - ông Đoàn nói và cho biết: Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn thì hầu hết không đạt tiêu chí về diện tích. Lớn nhất là Ba Vì - huyện trung du miền núi cũng chỉ có hơn 200km2, không thể đạt đến con số 450km2 theo quy định của Nghị quyết. Hầu hết các phường ở nội đô, 4 quận trung tâm hình thành từ ngàn năm nay nhưng cũng không có phường nào diện tích 5,5km2.
Chưa sáp nhập đã lo “chạy ghế”
Bàn về đề án, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, đến nay tỉnh đã làm xong đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính và chỉ chờ quyết định của Bộ Nội vụ là có thể triển khai ngay. Tuy nhiên, ông Vinh đưa ra một dẫn chứng từ thực tế khi sắp xếp bộ máy hành chính lại nảy sinh nhiều chuyện.
“Mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng “chạy” rồi. Người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết” - ông Vinh nói và đề nghị T.Ư tính thời gian giải quyết sắp xếp huyện, xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn sao cho việc này hoàn thành trước khi diễn ra đại hội Đảng bộ cấp xã, huyện vào năm 2020.
Trong khi đó, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, ngay bản thân ông dù đã nghỉ hưu cũng có người đến chia sẻ tâm tư và nhờ giúp khi biết tin về đề án của Bộ Nội vụ. “Tôi chia sẻ câu chuyện đó để thấy là có chuyện gián đoạn, tâm tư của cán bộ ở các đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Vì vậy, điều quan trọng là cần giải quyết vấn đề tư tưởng cho cán bộ. Việc sáp nhập huyện xã, tinh gọn đầu mối là rất cần nhưng thật thận trọng, không thể tinh giản một cách cơ học” - ông Nguyễn Túc nói.
Nói về việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa XII đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng là đến năm 2021 sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số và diện tích. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn thừa nhận: Đây là một việc khó và phức tạp vì số lượng các huyện, xã phải sắp xếp, sáp nhập là rất lớn. Bên cạnh đó, một khó khăn khác là bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức viên chức tại nơi sắp xếp, sáp nhập.
“Đội ngũ cán bộ công chức đang làm việc ở 2 đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện mà sáp nhập làm 1 thì việc quản lý biên chế ra sao, giải quyết chế độ chính sách như thế nào? Đây là câu chuyện nan giải cần phải giải quyết rốt rao trong đề án” – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đặt vấn đề.