Dân Việt

DNNN vẫn đóng góp cho ngân sách cao hơn DN FDI và DN tư nhân

Huyền Anh 20/09/2018 06:44 GMT+7
Tình trạng doanh nghiệp trốn thuế, nhưng cổ tức sau thuế “lớn” là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt trong bức tranh ngân sách giữa các loại hình doanh nghiệp.

Nghịch lý “doanh thu cao – đóng góp thấp”

Theo kết quả tổng điều tra (TĐT) công bố tại buổi họp báo công bố Kết quả chính thức tổng điều tra (TĐT) kinh tế năm 2017 vừa được tổ chức sáng qua, trong năm 2016 mặc dù số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân một DN của khu vực DNNN đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/DN cao hơn rất nhiều so với DN FDI là 18 tỷ đồng/DN và DN ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/DN.

img 

Toàn cảnh họp báo tại Tổng cục thống kê ngày 19.9

Mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách của các DN lớn chiếm tới 67,5%, các doanh nghiệp nhỏ chiếm 19,4% còn lại là các DN vừa và DN siêu nhỏ. Xét theo quy mô DN thì mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân trên một DN ở các DN lớn đạt 57,8 tỷ đồng/DN, DN vừa là 8 tỷ đồng/DN và DN siêu nhỏ đóng góp ít nhất với 122 triệu đồng/DN.

Trong khi đó, doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011, doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng).

Khu vực DN ngoài nhà nước có doanh thu thuần tăng 78,8% (tương đương 4.402 nghìn tỷ đồng) so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng cao nhất với 55,9% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN.

Khu vực DN FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần

Tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất là khu vực DNNN chỉ chiếm 16,7%, doanh thu thuần của khu vực DN này tăng thấp nhất với 244 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9%), doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7% (tương đương 48,8 nghìn tỷ đồng).

Đóng góp ngân sách lớn nhờ cổ tức “khủng”

Trong khuôn khổ buổi họp báo công bố kết quả chính thức tổng điều tra (TĐT) kinh tế năm 2017 do Tổng cục thống kê tổ chức, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - Tổng cục thống kê (TCTK) thừa nhận, các doanh nghiệp ngoài nhà nước và cả những doanh nghiệp FDI mặc dù có tỷ trọng lợi nhuận cao song mức đóng góp cho ngân sách lại thấp. Điều này xuất phát từ chính sách thuế khác nhau giữa ngành nghề kinh doanh.

“Lợi nhuận FDI chiếm 45%, con số này rất cao nhưng DNNN chỉ trên 30%, cái này do chính sách thuế là chính. Theo đó, Các doanh nghiệp FDI thường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như máy tính, điện thoại, điện tử… nên có DN áp dụng thuế TNDN giảm 50% trong 3 năm đầu kinh doanh. Đây cũng là điểm biến Việt Nam trở thành quốc gia hấp dẫn các DN khu vực và thế giới”, ông Thúy phân tích.

Cũng phải nói thêm rằng, các chỉ tiêu điều tra thống kê, nhất từ 2016 đến những năm tiếp theo TCTK đã rà soát sử dụng thống nhất số liệu từ tổng cục thuế nên số liệu tài chính đồng thuận, tiến tới tương lại sử dụng số liệu tổng cục thuế thay số liệu điều tra, nên số liệu DN khai báo là thống nhất giữa các cơ quan quản lý.

“Những con số của báo cáo này trung thực nhưng cũng không loại trừ bộ phận DN khai báo không trung thực, dẫn tới mức độ đóng góp ngân sách còn thấp trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiêp FDI”, ông Thúy nhận mạnh.

img 

Đại diện Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương trả lời câu hỏi của các phóng viên tham dự Họp báo

Bình luận thêm về vấn đề này, bà Lê Thị Duyên Hải, Cục trưởng Cục Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế nêu quan điểm: Chính sách thuế có sự khác nhau là đúng nhưng cũng phải nói rằng DNNN ngoài các khoản thuế đóng góp cho sản xuất kinh doanh trên doanh thu và lợi nhuận còn đóng góp cổ tức sau thuế do dùng vốn NN. Tỷ lệ này chiếm tỷ trọng đáng kể, ví dụ như năm 2016 khoản cổ tức là 67 ngàn tỷ, 2017 ước khoảng 65 ngàn tỷ. Có thể nói là đóng góp lớn làm cho cơ cấu đóng góp tính chung lớn.

Ngoài ra, tuổi đời DN từ thành lập tới chuyển đổi thì DNNN ổn định nhiều năm nên tỷ lệ tăng trưởng không quá nhanh mà cơ cấu số lượng giảm tuy nhiên các doanh nghiệp FDI nhất là DN ngoài NN tuổi đời thường ngắn. DN từ thành lập tới khi có đóng góp ngân sách phải mất 3-5 năm. Vì vậy, đây là tự nhiên với đời sống phát triển của DN.

“Việc các DN ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách thấp có phải do trốn thuế hay không. Lý do này cũng có cái đúng nhưng không phải nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ đóng góp ngân sách của DNNN cao hơn. Nói mức độ tuân thủ pháp luật của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước không bằng DNNN là có”, bà Hải nhấn mạnh.