Ngày 17/9/2018 Thanh tra Chính phủ công bố kết luận tiến trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Bản kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong việc lựa chọn đối tác chiến lược và bán thỏa thuận 75% vốn nhà nước cho công ty Hợp Thành và Cảng Quy Nhơn sẽ trở thành doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ đa số thông qua đại diện là Vinalines.
Trước đó ,UBND tỉnh Bình Định bày tỏ mong muốn Cảng Quy Nhơn phải do nhà nước nắm chi phối vì lý do an ninh quốc phòng, vì Cảng Quy Nhơn có 1 vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của Bình Định, 1 số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ? Liệu mong muốn của UBND tỉnh Bình Định có hợp lý hay không ? Có đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế của Bình Định, 1 số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hay không ?
Sở hữu nhà nước có thực sự hiệu quả?
Theo hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI, thực ra mong muốn của UBND Tỉnh Bình Định là không mới. Cảng Quy Nhơn đã hoạt động theo mô hình DNNN được 37 năm, mô hình CTCP mà nhà nước nắm giữ đa số được 3 năm nhưng không có nhiều đổi mới, bên cạnh đó tồn tại nhiều bất cập & tiêu cực trong công tác quản lý doanh nghiệp điển hình như cơ chế xin cho trong công tác tuyển dụng lao động và cán bộ quản lý dẫn đến bộ máy quản lý cồng kềnh, năng lực yếu kém, nguồn nhân lực lao động quá đông nhưng năng suất thấp
Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động của Tổng Công ty Hàng Hải VN (Vinalines), VAFI cho rằng, gần đây có 1 số tiến bộ nhỏ so với trước kia nhưng vẫn thể hiện là 1 Tập đoàn yếu kém về nhiều mặt, bộ máy quản lý cồng kềnh cộng với cơ chế quản trị yếu kém. Vinalines vừa hoàn tất “ sơ bộ” cổ phần hóa nhưng hầu như không thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Nhà đầu tư quay lưng với Vinalines không phải vì tập đoàn này không hấp dẫn hay không có tiềm năng phát triển mà vì công tác quản trị doanh nghiệp và định hướng phát triển không có nhiều thay đổi, dĩ nhiên là nhà đầu tư không thể mạo hiểm bỏ vốn vào trừ khi Vinalines chỉ ra những thay đổi căn bản sau cổ phần hóa.
Nhiều dự án do Vinalines quản lý do Vinalines quản lý đều kém hiệu quả
Hiện nay, các đơn vị cảng do Vinalines quản lý đều có năng suất lao động thấp, hiệu quả sinh lời của đồng vốn thấp. Chẳng hạn như khu vực các Cảng tại Hải Phòng, CTCP Cảng Hải Phòng (trực thuộc Vinalines) là đơn vị nắm giữ và sở hữu nhiều cầu cảng nhất, ở các vị trí khai thác thuận lợi nhất nhưng doanh thu, lợi nhuận, sản lượng hàng thông qua cảng đều thua xa các đơn vị tư nhân ít cầu cảng như Gemadept, Viconship….Điều này nói lên rằng không phải cứ nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là đảm bảo an ninh quốc phòng, là đảm bảo công cuộc phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế ;
Cảng Quy Nhơn muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì không thể trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines (1 đối tác chiến lược ốm yếu về tài chính và quản trị doanh nghiệp) mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh như Viconship, Gemadept….
Cổ phần hóa vẫn là con đường đúng đắn
Trước vấn đề lựa chọn hình thức sở hữu như thế nào để Cảng Quy Nhơn hoạt động hiệu quả và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng CPH vẫn là con đường phù hợp và đúng nhất trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Phạm Quốc Khánh, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng, muốn đưa cảng Quy Nhơn vào hoạt động 1 cách hiệu quả thì đầu tiên chúng ta phải giải quyết dứt điểm vấn đề về sở hữu hiện nay, hay những tranh chấp. Từ đó mới có thể xây dựng chiến lược phát triển cảng Quy Nhơn cho phù hợp với chiến lược của địa phương
Ông Khánh nhấn mạnh rằng: “Phải dứt điểm sở hữu rồi mới có thể tái cơ cấu được, khi chưa dứt điểm được sở hữu thì khó mà thực hiện tái cơ cấu. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả hoạt động của cảng Quy Nhơn sẽ khó cải thiện trong thời gian tới.”
Cần tiếp tục cổ phần hóa cảng Quy Nhơn
Thực ra, cổ phần hóa (CPH) là xu thế đúng đắn chẳng qua trong thời gian vừa qua vì họ làm sai, có tính chất nhóm lợi ích nên hiệu quả của CPH không đạt kỳ vọng. CPH là tốt, tất nhiên là có thể có 1 số trường hợp không CPH vẫn tốt nhưng không có nghĩa là chúng ta thay đổi kế hoạch CPH cảng Quy Nhơn.
“Cũng phải nói thêm rằng, Cảng không thuộc lĩnh vực mà nhà nước buộc phải quản lý nên CPH theo tôi chỉ có tốt hơn” – vị chuyên gia này nhấn mạnh
Đồng quan điểm, song ông Đặng Đức Sơn - Viện trưởng Viện Quản trị Tài chính AFC đề xuất, nên theo hướng hợp tác công tư PPP, phương pháp này sẽ vừa đảm bảo được vai trò của nhà nước vừa đảm bảo vai trò của doanh nghiệp trong việc quản lý, vận hành Cảng Quy Nhơn.
“Giống như thực trạng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quan điểm của tôi là nên thực hiện CPH và mời nhà đầu tư ở lĩnh vực kinh tế tư nhân vào hợp tác, quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng biển nói chung và càng Quy Nhơn nói riêng” ông Sơn cho biết,
Cũng theo ông Sơn, để thực hiện hiệu quả phương pháp này, trước tiên chúng ta nên đưa ra mô hình dự án theo mô hình hợp tác công tư theo những quy định trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Sau khi xây dựng mô hình, chúng ta phải làm rõ các vấn đề liên quan đến vận hành, tiêu chí quản lý hệ thống cảng biển và đặc biệt là cơ chế phân chia rủi ro giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong đó cần phải tính đến cả những rủi ro về môi trường, rủi ro chính trị , rủi ro pháp lý và rủi ro kinh tế.
Cũng phải nói thêm rằng, với dự án cảng Quy Nhơn hiện nay, nhà nước nên bỏ ra 1 “ít” vốn mồi để thiết lập cơ sở hạ tầng ban đầu để vận hành hoạt động của Cảng, nâng cao vị thế của Cảng. Từ đó sẽ mời nhà đầu tư quan tâm đến dự án và sau đó lựa chọn nhà đầu tư nào phù hợp nhất với dự án mà mình đưa ra mà chúng ta không nhất thiết phải đi tìm doanh nghiệp. Mô hình này được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và tôi nghĩ Việt Nam nên học hỏi phương pháp này.
Vị chuyên gia này thừa nhận, trong giai đoạn từ rất lâu rồi, thực tế chứng minh rằng việc vận hành, quản lý và sử dụng vốn của nhà nước đối với các cảng biển là không hiệu quả. Hiệu quả sẽ đạt được nếu có sự tham giá của dòng vốn tư nhân. Đồng thời với mô hình công tư PPP sẽ phân chia được rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư. Phương pháp này cũng cho phép chúng ta lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp và cũng có hướng ưu tiên cho nhà đầu tư nào không chỉ phát triển được kinh tế mà đảm bảo được cả an toàn, an ninh quốc gia
“Dự án cảng biển thường là dự án lớn, cần nguồn vốn lớn nên nguồn lực từ nhà đầu tư cũng sẽ là vấn đề cần lưu tâm. Dù vậy, để thu hút được nhà đầu tư đủ mạnh về nguồn lực, đủ tốt về quản trị thì điều đầu tiên Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, và môi trường pháp lý cho mô hình PPP” ông Sơn nêu kiến nghị.