Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng (ảnh) - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
- Bộ Tài chính vừa công bố khảo sát cho thấy giá thành sản xuất lúa vụ hè thu bình quân ở ĐBSCL từ 3.261 - 4.985 đồng/kg, tăng 156 đồng/kg so với vụ hè thu năm 2017, có nghĩa là thu nhập của nông dân giảm đi. Ông nghĩ sao về con số này?
Trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới, từ năm 2003 đến nay Việt Nam liên tục là 1 trong 3 nước dẫn đầu về sản lượng, thực sự là một "người khổng lồ" trên thị trường lúa gạo toàn cầu. Đáng buồn là “người khổng lồ” đó đang rơi vào bi kịch mất giá trị, còn nông dân làm ra hạt gạo thì vẫn nghèo.
Vấn đề mâu thuẫn ở chỗ, chúng ta dồn chủ yếu diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa, nhưng giá trị của hạt gạo cả trong nước, lẫn xuất khẩu đều không đủ bù đắp cho nhập khẩu vật tư, nông sản khác như phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc…, cũng như không đủ đảm bảo đời sống của người trồng lúa.
Điển hình là năm 2017, nước ta xuất khẩu khoảng 5,89 triệu tấn gạo, thu về 2,66 tỷ USD nhưng phải chi tới 1,25 tỷ USD nhập khẩu phân bón, gần 1 tỷ USD nhập thuốc trừ sâu, khoảng 2,28 tỷ USD nhập ngô và đậu tương… Có một số liệu khảo sát chỉ ra rằng, thu nhập của người trồng lúa chỉ đạt 25.000 đồng/ngày – như vậy thì làm sao đủ sống?
Trước đây để giữ đất lúa, chúng ta đã có các chính sách để đảm bảo giá lúa làm sao cho nông dân có lãi ít nhất 30%. Nhưng tôi dám khẳng định là đến bây giờ, nông dân không thể có lãi được 30% từ sản xuất lúa. Hiệu quả nhất nằm ở khâu thương mại, trong khi người nông dân luôn luôn ở thế yếu trên thị trường.
Việc trồng lúa muốn hiệu quả cần áp dụng máy móc, sản xuất tập trung quy mô lớn. ảnh: Nguyên Vỹ
- Vậy ông có cho rằng, chúng ta nên giảm diện tích trồng lúa để nông dân chuyển sang nghề khác?
Nếu tổ chức sản xuất không khéo, nguy cơ nông nghiệp 4.0 mà chúng ta đang đặt mục tiêu lại thành nông nghiệp “4 không”: không có tư liệu sản xuất, không có nguồn nhân lực trẻ và trình độ cao, không có công nghệ mới, không khéo Việt Nam thành bãi thải của công nghiệp các nước, và không có thông tin”. Ông Hồ Xuân Hùng |
Câu hỏi đặt ra lúc này là chúng ta có nên phát triển một nền nông nghiệp toàn diện hay không, hay nên phát triển theo lợi thế so sánh, chọn một số mặt hàng chủ lực để làm cho ra làm? Tại sao nông nghiệp cứ cần phải toàn diện, cái gì cũng muốn làm nhưng không thực sự có mặt hàng nào hiệu quả?
Nghị quyết của Quốc hội về việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực – tôi cho rằng, đến thời điểm này đã không còn phù hợp. Từ mấy chục năm nay chúng ta đã đảm bảo an ninh lương thực và dư thừa lúa gạo.
Thực ra về vấn đề an ninh lương thực, chúng ta cần nghĩ khác. Lương thực không phải chỉ có gạo, mà còn có sắn, ngô, khoai, ngoài ra người tiêu dùng đang ngày càng ăn ít gạo đi, chuyển sang ăn sang thực phẩm khác. Thời đại bây giờ, rau quả cũng là lương thực.
Đã qua rồi cái thời tự hào với danh hiệu xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Chúng ta cũng không có nghĩa vụ lo đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, bởi thực tế là nông dân trồng lúa nước ta vẫn chưa thể thoát nghèo.
Chủ trương giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa đã là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp. Nếu không sớm tháo gỡ quan điểm này thì ngành lúa gạo sẽ khó mà phát triển hiệu quả hơn được. Thực tế cho thấy, trước đây nông dân ta còn tranh nhau làm ruộng để có lúa gạo ăn, nhưng giờ nhiều người trồng lúa chỉ đủ ăn nên chán làm ruộng đi làm nghề khác, bỏ không ruộng cho cỏ mọc, lãng phí ghê gớm tài nguyên quốc gia.
- Vậy nếu không trồng lúa, người nông dân nên làm gì, thưa ông?
Đối với các vùng đồi núi, bán sơn địa, trồng lúa rất khó khăn tôi nghĩ các địa phương cần tạo cơ chế, chủ trương để nông dân chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các cây trồng khác hiệu quả hơn, như trồng cây ăn quả, rau củ, phát triển các mô hình V-A-C, kết hợp trồng rừng...
Tuy nhiên làm gì cũng vậy, để sản xuất đạt giá trị cao trên một miếng đất, phải đi bằng “2 chân” có tính đột phá, đó là khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, nông nghiệp sạch, chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ... Khi nào chưa đi bằng được “2 chân” đó thì thu nhập còn thấp và nông dân còn nghèo.
Con số kỷ lục xuất khẩu rau củ quả 3,5 tỷ USD năm 2017 cho thấy một điều: Đó là những trái ngọt từ chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp. Nếu Việt Nam cứ mãi loay hoay với phát triển toàn diện mà không tập trung theo hướng lợi ích so sánh thì khó mà có được con số kỷ lục này.
Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản..., dù không có nhiều đất, nhưng nhờ tập trung phát triển các nông sản có lợi thế so sánh nên họ vẫn thành công. Tôi có đi thực tế một số nơi như huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), hiện 70% diện tích đất đã sản xuất công nghệ cao. Một nông dân có 1.000m2 đất, nhờ ứng dụng công nghệ cao mà thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Nhưng muốn đi được bằng “hai chân” đó, thì phải có chính sách, bàn tay tổ chức của Nhà nước, chú trọng hơn tới khẩu tổ chức thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, phải có cơ chế gắn bó nhà khoa học với doanh nghiệp, nông dân. Nhiều nước đã cho các nhà khoa học hưởng lợi nhuận trên đồng ruộng cùng nông dân và doanh nghiệp tương xứng với chất xám họ bỏ ra, còn các nhà khoa học nước ta vẫn ở rất xa nông dân.
Xin cảm ơn ông!