Dân Việt

Còn độc quyền SGK, đổi mới còn nửa vời

Thanh Hằng 22/09/2018 08:42 GMT+7
Chưa bao giờ vấn đề độc quyền sách giáo khoa (SGK) lại được quan tâm như những ngày này, khi nó không chỉ xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội, mà còn bước vào cả nghị trường và bàn họp của Chính phủ.

Ngày 19.9, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã cầm cuốn SGK lớp 1 ra và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GDĐT rằng liệu có sự độc quyền: “Tại sao SGK bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ”, “mỗi một năm in bán khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Bộ GDĐT phải tiến hành rà soát lại việc in SGK”, bà Nga nêu.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cầm cuốn sách lớp 1 trên tay để hỏi Bộ trưởng GDĐT về chuyện độc quyền.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện thì “đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, có biểu hiện gì ở đây? Thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không? Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ. Nhà in không tự in như thế được mà có thể người đặt hàng người biên soạn yêu cầu sách phải như vậy”.

Con số hơn 100 triệu bản sách mỗi năm cùng với doanh thu 1.000 tỷ đồng từ SGK (chưa kể sách tham khảo) của NXB Giáo dục đã cho thấy sự lãng phí rất lớn mà việc độc quyền SKG gây ra cho người dân và toàn xã hội. Việc độc quyền SGK đã tạo ra sự lệ thuộc của phụ huynh và học sinh vào NXB Giáo dục mà không có sự lựa chọn nào khác, gây nên cảnh NXB có quyền “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao” với phụ huynh và học sinh, cả về giá cả lẫn chất lượng sách.

Câu chuyện thiếu SGK khi bước vào năm học mới 2018-2019 vừa qua khiến học sinh, phụ huynh nháo nhào là một minh chứng cho hậu quả của việc độc quyền SGK. Hơn nữa, chúng ta đều biết để sản xuất ra cả trăm triệu bản sách mỗi năm, là mỗi năm lại có một diện tích rừng tương ứng bị phá để sản xuất lượng giấy.

img

Theo thống kê của Bộ TTTT, cả nước có 59 nhà xuất bản, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng/năm, thì riêng NXB Giáo dục - nơi được độc quyền về SGK - có lượng phát hành hơn 150 triệu bản với doanh thu “khủng” đang là giấc mơ của các NXB Việt: Năm 2015 là 1.041 tỷ đồng; 2016 là 1.147 tỷ đồng; năm 2017 là 1.203 tỷ đồng. Những con số này phản ánh sự bất hợp lý trong bối cảnh chỉ có 5/59 NXB là “sống” được, số còn lại đều sống rất “thoi thóp”, hoạt động cầm chừng.

Rõ ràng, độc quyền SGK đã gây nên hệ lụy xã hội không nhỏ là sự vi phạm quy định về quản lý cạnh tranh, gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Nếu không được độc quyền, mà phải cạnh tranh như các NXB khác, liệu NXB Giáo dục có “sống ổn” như hiện nay?

Cũng không thể không đặt ra câu hỏi nữa là tại sao riêng NXB Giáo dục lại được lọt ra ngoài “vòng xoáy” cạnh tranh vốn cực kỳ khốc liệt của ngành xuất bản từ khi bước vào cơ chế thị trường, để vẫn ung dung độc quyền SGK, triền miên và dài lâu như thế?

Để xóa bỏ việc độc quyền SGK, chỉ có con đường là chúng ta phải bước song hành cùng xu hướng chung của thế giới là có nhiều bộ SGK cho học sinh, phụ huynh lựa chọn. Tại Mỹ, giáo viên còn có quyền biên soạn SKG dạy trẻ.

Chỉ so với quá khứ, đã thấy chúng ta đang thụt lùi với chính mình, khi theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, năm 1956, Việt Nam đã có nhiều bộ SGK. GS Nguyễn Lân cũng từng xuất bản riêng SGK của mình. Nhưng khoảng từ năm 1970, Việt Nam chỉ có một bộ SGK. Đến năm 2005, nước ta lại có 2 bộ SGK cơ bản và nâng cao.

img

Chúng tôi đồng tình với GS Nguyễn Minh Thuyết rằng, duy trì “một chương trình, một bộ SGK” là đi ngược với thế giới. Chỉ có ủng hộ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” mới tạo ra không khí cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này. Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương này từ lâu bằng Nghị quyết 88. Thế nhưng, hơi lạ là mới đây, vẫn có một số vị đại diện bày tỏ ý kiến “băn khoăn”. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Nghị quyết 88 của Quốc hội ngang với luật và ban hành rồi thì mọi người phải tuân thủ. Tuy về thẩm quyền, Quốc hội có thể sửa Nghị quyết 88, nhưng quy trình để ban hành một Nghị quyết mới là rất lâu vì rất nhiều bước.

Chỉ khi không còn độc quyền mới huy động được trí lực của xã hội để buộc các nhóm tác giả cạnh tranh về chất lượng. Từ đó, học sinh được hưởng những bộ sách có chất lượng cao từ những bộ óc giỏi giang và tâm huyết.

Đừng sợ có những bộ sách sẽ chứa những kiến thức không lành mạnh như mạng xã hội đồn thổi, bởi Bộ GDĐT có Hội đồng thẩm định Quốc gia đánh giá nội dung từng cuốn sách trước khi đi vào nhà trường, chứ không phải cứ biên soạn xong là được sử dụng. Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh luôn là những người giám sát hữu hiệu, nên các “hạt sạn” sẽ sớm được phát hiện và xử lý.

Dĩ nhiên, để tránh khỏi việc các nhóm biên soạn vận động hành lang nhằm đưa SGK cùa họ vào nhà trường, việc quyết định chọn bộ sách nào phải do các cơ sở giáo dục dựa trên ý kiến của giáo viên, chứ không phải do Bộ, Sở GDĐT hoặc UBND các tỉnh…

Các nước đã có nhiều năm chọn lọc trước khi quyết định sử dụng nhiều bộ SGK trong chương trình giáo dục. Vậy có lý gì chúng ta không tranh thủ tiếp thu kinh nghiệm mà các nước đã phải mất rất nhiều thời gian, tâm sức mới có được, lại cứ khăng khăng đi theo đường cũ, khi nó có thể khiến nhiều thế hệ nữa phải trả giá và người dân có quyền nghi ngờ có phải chỉ vì nó đem lại lợi ích cho một nhóm người nào đó chứ không “vì học sinh thân yêu” như khẩu hiệu lâu nay của ngành giáo dục?

Đổi mới giáo dục mà vẫn giữ độc quyền SGK thì chỉ là đổi mới nửa vời.