Dân Việt

Mỹ sai lầm đưa quân vào Trung Đông: Vì Washington xót tiền?

Ngọc Việt 22/09/2018 13:30 GMT+7
Đưa quân tới vùng đất nóng không phải là chiến lược sai lầm của Mỹ mà sai lầm chỉ ở cách thức Washington sắp đặt bàn cờ chính trị mới...

Trong cuộc phỏng vấn với Hill.TV, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bình luận về sai lầm lớn nhất lịch sử của Mỹ là việc các Tổng thống nhà Bush đưa quân tới Trung Đông, tuy nhiên, theo giới phân tích, chỉ vì ông Trump xót tiền Mỹ mà thôi.

Nghĩa là chiến lược đưa quân tới vùng đất nóng không phải là sai lầm của Mỹ nói chung, của các chính quyền Bush nói riêng, mà sai lầm chỉ ở cách thức tiến hành và mưu đồ của Washington khi sắp đặt các bàn cờ chính trị mới.

Vì vậy, Mỹ luôn phải nhận lãnh hậu quả gắn liền với hao tốn binh lực và tiền của. Khi muốn "làm cho Mỹ vĩ đại trở lại" thì thiếu lực nên ông Trump tiếc tiền. Ngoài ra đây còn là cách vị tổng thống doanh nhân rào đón cho chiến lược của mình.

img

Tổng thống Trump xót tiền Mỹ đổ vào Trung Đông chứ không hẳn chiến lược của Mỹ sai lầm

Nâng cao vị thế cho người Kurd - chiến lược sắc sảo của Washington

Với tham vọng "Bá chủ Trung Đông" nhưng thất vọng khi không thể có chiến thắng trong cuộc chiến Iran - Iraq, ngày 2.8.1990, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã xua quân xâm chiếm Kuwait và tuyên bố sáp nhập Kuwait vào Iraq.

Để buộc Saddam phải tuân thủ Hiến chương LHQ về tôn trọng chủ quyền của một quốc thành viên, HĐBA lấy danh nghĩa Giải Phóng Kuwait, cho phép thành lập Liên minh quân sự 34 nước do Mỹ đứng đầu.

Ngày 17.1.1991, Liên quân đã mở cuộc tấn công đánh đuổi Iraq, tái lập chủ quyền cho nhà nước Kuwait. Sau 41 ngày đêm thì Chiến dịch Bão táp sa mạc kết thúc bằng chiến thắng của liên quân vả thảm bại của quân đội Iraq.

Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua, cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất thật sự đã nhạt nhòa trong ký ức người dân thế giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích thì có nhiều vấn đề liên quan tới cuộc chiến vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trong số những vấn đề chưa thể lãng quên ấy, đặc biệt nhất là việc Washington giúp nâng cao vai trò của người Kurd trong bàn cờ chính trị Trung Đông, nhằm thực hiện mưu đồ chiến lược tại vùng đất khói lửa này.

Theo lịch sử ghi nhận, người Kurd sinh sống tại "ngã tư biên giới" Iran-Iraq-Syria- Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến trước Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, người Kurd gần như không có quyền lợi chính trị gì tại các quốc gia được cai trị bởi người Hồi giáo.

Thậm chí tại Iraq chính quyền Saddam còn đàn áp đẫm máu những hành động phản kháng, đòi quyền lợi chính trị của người Kurd. Tại Thổ Nhĩ Kỳ - tổ chức chính trị của người Kurd, đảng Công nhân người Kurd bị coi là tổ chức khủng bố quốc tế.

Nguyên là Giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ, Tổng thống G.H.W.Bush (Bush cha) đã nhận ra sự lợi hại của người Kurd tại Trung Đông, nếu họ có đia vị chính trị tại vùng đất nóng này.

img

Hai Tổng thống nhà Bush đã giúp đưa người Kurd bước lên vũ đài chính trị tại Trung Đông sau hàng trăm năm tranh đấu

Vì vậy, với vai trò là Tổng tư lệnh lực lượng Liên quân tấn công Iraq, giải phóng Kuwait, người đứng đầu Nhà Trắng đã có bước đi quan trọng nhằm tạo dựng địa vị chính trị cho người Kurd, phục vụ chiến lược lâu dài của Mỹ tại Trung Đông.

Theo dư luận quốc tế lúc bấy giờ, mục đích Mỹ phát động cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất là nhắm đuổi quân đội của Saddam khỏi Kuwait, qua đó chính thức gạt bỏ vai trò của Liên Xô trên bàn cờ chính trị thế giới.

Cùng với đó, Washington cũng ngăn chặn tham vọng "Bá chủ Trung Đông" của bất cứ thực thể chính trị nào có quan điểm lệch pha với Mỹ và cuối cùng tất nhiên là lợi ích từ những giếng dầu.

Tuy nhiên, giới phân tích luôn cho rằng mục đích quan trọng nhất của Tổng thống George H.W.Bush là tìm cách tạo địa vị chính trị cho người Kurd, rồi sẽ đưa lực lượng này bước lên vũ đài chính trị tại Trung Đông.

Trong tương lai Mỹ được cho là sẽ hướng tới việc thành lập một nhà nước của người Kurd, giống như nhà nước của người Do Thái sau Thế chiến II, sau khi tộc người này giành được quyền tự quyết dân tộc.

Do vậy, khi Kuwait được giải phóng, Chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc bằng thất bại của S.Hussein và dẹp luôn được ảo tưởng của M.Gorbachev, Mỹ đã tạo được vị thế chính trị rất lớn tại Trung Đông - nền tảng cho những nước cờ chính trị của mình.

Và G.H.W.Bush bắt đầu thực hiện điều ấy qua việc lập Vùng cấm bay tại miền Bắc Iraq, theo đó, quân đội Iraq không thể xâm phạm không phận tại Vùng cấm bay, cho dù chính quyền Saddam Hussein vẫn đại diện cho chủ quyền quốc gia của Iraq.

Như vậy, dù vẫn quản lý đất nước Iraq, nhưng Saddam đã mất quyền kiểm soát với tộc người Kurd tại miền Bắc nước này - đây là một nước đi quá chuẩn xác của G H.W.Bush trong việc tạo ra vị thế cho người Kurd tại Iraq và cả Trung Đông.

img

Địa vị của người Kurd đã tạo ra thế chân vạc trong đời sống chính trị Iraq, và sắp tới có thể ở cả Syria

Nhờ sự che chở của Washington, lực lượng người Kurd đã tăng cường chuẩn bị và tập trung lực lượng, chờ cơ hội bước lên vũ đài chính trị sau hàng thế kỷ khát khao và tranh đấu.

Rồi với một lý do không rõ ràng, ngày 20.3.2003 Tổng thống George W.Bush (Bush con) quyết định tấn công Iraq và nhanh chóng lật đổ chế của Saddam Hussein, tạo ra một bàn cờ chính trị mới tại quốc gia Trung Đông này.

Sau nhiều thập kỷ độc quyền nắm giữ quyền lực tại Iraq dưới thời Saddam Hussein, lực lượng Hồi giáo dòng Sunni buộc phải chia sẻ quyền lực. Lực lượng Hồi giáo dòng Shiite đã đóng vai trò chính trong đời sống chính trị Iraq thời hậu Saddam.

Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử, bàn cờ chính trị Iraq có sự tham gia của lực lượng người Kurd, khi đại diện người Kurd nắm giữ vị trí Nguyên thủ quốc gia trong một cơ cấu quyền lực thế chân vạc: Hồi giáo Shii'te-Hồi giáo Sunni-Người Kurd.

Khi đại diện người Kurd Jalan Talabani nhậm chức Tổng thống Iraq đầu tiên thời hậu Saddam thì cũng là lúc chiến lược của Washington tạo dựng địa vị chính trị cho người Kurd tại Trung Đông đã chính thức được tạo hình.

Khi người Kurd bước lên vũ đài chính trị tại Iraq, người Kurd ở các quốc gia khác cũng tăng cường tranh đấu để nâng cao địa vị cho mình, nhất là tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo thành một xu thế chính trị mới tại Trung Đông - nước cờ Mỹ phát tác hiệu.

Mưu đồ Mỹ khiến chiến lược của Mỹ tại Trung Đông không thành công

Theo giới phân tích, việc Mỹ thay vì đón kết quả thì phải nhận hậu quả trong ván cờ chính trị tại Iraq nói riêng, Trung Đông nói chung, là do Washington sử dụng uy lực thay cho uy tín và cố tình không giúp xây dựng chủ thuyết chính trị cho đồng minh.

Có thể nhận định rằng, lực lượng cầm quyền thân Mỹ tại Iraq - và tại cả các bàn cờ chính trị khác của Mỹ - đều không phải là đại diện cho tiếng nói của nhân dân các quốc gia này - quyền lực nhà nước không đại diện cho quyền lực nhân dân.

img

Lực lượng chính trị thân Mỹ thiếu chủ thuyết

Lật đổ chế độ bài Mỹ, rồi lập nên chính thể thân Mỹ chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề chính trị - xã hội. Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự hoà hợp giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội thì Mỹ và chính quyền thân Mỹ đều đã không thể xác lập được.

Washington đã dùng lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ để tạo hình cho các bàn cờ chính trị mới tại Iraq mà thực chất là dùng uy lực thay cho uy tín. Do vậy, khi vắng “chất Mỹ, yếu tố Mỹ” là bàn cờ chính trị đó thiếu ngay sức sống.

Trong khi lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ không thể mãi là bùa hộ mệnh cho những thực thể chính trị thân Mỹ, do vậy Mỹ hoặc chấp nhận thất bại, hoặc phải đi nước cờ mới để sắp đặt ra những bàn cờ chính trị mới, song cũng không thể thành công.

Theo lịch sử các học thuyết chính trị và khế ước xã hội, sức mạnh của một quốc gia được cấu thành bởi bốn yếu tố nền tảng là : thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc.

Hai yếu tố đầu được xem là sức mạnh cứng và hai yếu tố sau được xem là sức mạnh mềm. Thiếu hay yếu ở một trong bốn yếu tố, quốc gia sẽ thiếu sức mạnh. Tại các bàn cờ chính trị mới, Mỹ chỉ hướng tới xác lập sức mạnh cứng mà quên sức mạnh mềm.

Điều này khiến cho chế độ chính trị do Mỹ tạo lập, bảo trợ tại Iraq lung lay ngay khi thiếu vắng “chất Mỹ”, mà nguyên nhân là do lực lượng chính trị thân Mỹ tại Iraq thiếu chủ thuyết chính trị.

Chủ thuyết chính trị là yếu tố quan trọng nhất trong việc liên kết giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, từ đó cấu thành nên sức mạnh quốc gia. Các đảng phái chính trị chỉ có cương lĩnh chính trị, chương trình hành động chứ không có chủ thuyết.

Một chủ thuyết là giá trị tinh thần của cộng đồng dân tộc, phát huy bản sắc của văn hoá dân tộc, từ đó khai quật sức mạnh quốc gia. Từ chủ thuyết sẽ tạo hình ý thực hệ cốt lõi cho một quốc gia. Thiếu chủ thuyết thì mọi cố gắng đều như bèo bọt.

img

Phe thân Mỹ thiếu chủ thuyết chính trị khiến lực lượng bài Mỹ lật ngược thế cờ

Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ không thể khoả lấp được lỗ hổng thiếu chủ thuyết. Chế độ chính trị thân Mỹ tại Iraq lung lay, thậm chí có nguy cơ bị lật nhào bởi IS - một thế lực xây dựng được chủ thuyết, cho dù chủ thuyết của IS quá cực đoan.

Khi lực lượng chính trị thân Mỹ thiếu chủ thuyết thì các nước cờ chính trị của Mỹ đều chỉ là những mẹo vặt, khi đó quyền – sức mạnh nhà nước - không gắn liền với lực – quyền lực nhân dân. Từ đây, hao tốn binh lực và tiền của của Mỹ trở thành vô nghĩa.

Khi nắm quyền lực, Tổng thống Trump muốn "làm cho Mỹ vĩ đại trở lại" thì nợ công quá lớn, thâm hụt ngân sách khiến chính phủ phải giải quyết bằng những biện pháp đặc biệt. Điều này khiến vị tổng thống doanh nhân tiếc tiền đổ vào vùng đất nóng.

Bởi theo ông Trump, tính đến tháng 1.2017, Mỹ đã phải chi 7.000 tỷ USD cho các chiến dịch ở Trung Đông. Vì vậy, trong nỗi thất vọng, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã oán trách các chính quyền Bush đưa quân vào Trung Đông là sai lầm lịch sử.