Điểm khác biệt của bánh cuốn Tuyên Quang chính là ở nước chấm. Nếu ai đó đã có dịp thử các món bánh cuốn ở những vùng miền khác nhau sẽ thấy được sự khác biệt trong nước chấm của bánh cuốn Tuyên Quang.
Theo chị Hoàng Thị Liên (phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang), một người tráng bánh cuốn trên 20 năm nay thì nước chấm phải là nước ninh xương, thứ nước ấy phải sánh, có vị đậm đà mà vẫn cho cảm giác “dịu ngọt” của xương hầm ở đầu lưỡi mỗi khi nếm thử. Cũng theo chị Liên, nước chấm sẽ không thể ngon nếu thiếu gia vị như hạt tiêu, ớt, chanh, hành khô chao mỡ và một chút lá mùi thái nhỏ. Tất cả tạo nên một bát nước chấm chắc chắn không lẫn vào đâu được của món bánh cuốn nơi đây.
Nếu như ở Cao Bằng có bánh cuốn thịt vịt, ở Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì và bánh cuốn trứng cà cuống phố cổ, ở TP Hồ Chí Minh có bánh cuốn “Hạt gạo làng ta”… thì ở Tuyên Quang lại có món bánh cuốn chả viên rất riêng biệt. Chả được làm từ thịt lợn địa phương, giống lợn thơm ngon và chắc thịt, sau khi băm nhỏ thịt sẽ được trộn với nấm hương và mộc nhĩ vùng cao, tiếp đến được nắm thành viên nhỏ, chả được rán chín trước khi ăn kèm với bánh cuốn. Viên chả ngậy mà không quá béo, thơm ngon ăn kèm với bánh quả thực là rất hợp.
Bên cạnh món chả viên, nhiều du khách khi đến Tuyên Quang cũng rất thích ăn bánh cuốn với món chả quế, giò lụa của địa phương hay là bánh cuốn ốp với trứng gà ta. Chị Nguyễn Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Chị rất hay lên Tuyên Quang đi lễ chùa đầu năm, cứ mỗi dịp đến đây là chị phải tìm ngay những tiệm bánh cuốn ngon để thưởng thức. Là một người sinh sống ở Hà Nội với rất nhiều món bánh cuốn ngon đặc sản nhưng theo chị Trang, bánh cuốn xứ Tuyên vẫn thực sự rất hấp dẫn mà nhiều khi khiến chị nhớ đến “nao lòng”.
Chị Nguyễn Thị Xuyến tổ 25 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cũng là một người có thâm niên tráng bánh cuốn với hơn một chục năm trong nghề. Bánh cuốn của chị Xuyến rất đắt hàng, tiệm bánh nằm trong con ngõ nhỏ dẫn từ hồ Minh Xuân vào lúc nào cũng đông khách từ sáng đến đêm.
Chị Xuyến chia sẻ: Bánh phải được tráng bằng ba loại gạo phối hợp ngâm ủ trong đêm, đến sáng gạo được xay và tráng ngay cho khách, vậy nên bánh của chị tráng luôn mềm, dẻo nhưng vẫn dai và đặc biệt hơn cả là bánh phải mỏng để đạt yêu cầu của món ăn này. Nhân bánh ngoài việc cho mộc nhĩ, nấm hương, ruốc thịt hay ruốc tôm thì chị Xuyến còn cho thêm một vài thứ gia vị mà theo chị gọi là “bí quyết nhà nghề” nên càng làm cho bánh cuốn thêm hấp dẫn, lạ miệng.
Cũng theo chị Xuyến, nghề làm bánh cuốn nhất là bánh cuốn tráng ăn ngay thực sự vất vả, thức khuya dậy sớm để mang đến cho khách hàng những đĩa bánh ngon, nóng hổi. Người tráng bánh phải là người có kĩ năng tốt, “luôn chân luôn tay” để phục vụ rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn, không để khách hàng phải đợi lâu.
Ở Tuyên Quang hiện nay có rất nhiều tiệm bánh cuốn ngon có tiếng, được nhiều người ưa thích và cùng giới thiệu cho bạn bè, trong đó phải kể đến như: Bánh cuốn Minh “rạp” (gần rạp Tháng 8, TP Tuyên Quang), bánh cuốn bà Lìn gần đền Cảnh xanh, bánh cuốn Xã Tắc (TP Tuyên Quang), bánh cuốn Cầu Chả (Km số 5 Trung Môn, Yên Sơn), bánh cuốn Thảo (tổ 6 Phan Thiết)...
Người con của thành Tuyên đi xa hay về gần luôn nhớ món bánh cuốn nóng, xuýt xoa húp nước trong cái ngày đông lạnh giá. Thế mới thấu hiểu hết được hương vị của quê hương và càng thêm yêu mảnh đất này cũng như sức hấp dẫn của nó với những du khách khắp mọi nơi dù chỉ một lần đặt chân đến Tuyên Quang.