Dân Việt

Làm giàu ở nông thôn: Biến đất cằn thành trang trại tiền tỷ

  Lê Quang 24/09/2018 14:30 GMT+7
Trang trại diện tích hơn 7ha với hàng chục ngàn cây ăn trái các loại có giá trị kinh tế cao như xoài cát chu, cam sành, cam đường, quýt hồng, bơ... đang mang về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho lão nông Hai Lượng.

Lập nghiệp trên vùng đất mới

Chúng tôi ghé thăm trang trại cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Lượng (hàng xóm thường gọi ông Hai Lượng) tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ, mái ngói khá cũ kỹ nằm lọt giữa khu vườn bạt ngàn màu xanh của cây trái là một người đàn ông có khuôn mặt rất tươi, miệng luôn cười sau mỗi câu nói. Nhìn dáng vóc, sự nhanh nhẹn và giọng nói khỏe khoắn của ông, ít ai ngờ rằng ông đã gần 70 tuổi.

img

Hàng ngày ông Hai Lượng vẫn chỉ dẫn công nhân cách chăm sóc vườn cây. Ảnh:  L.Q

Nhấp ngụm nước trà nóng, ông Lượng bắt đầu tâm sự với chúng tôi về cơ duyên ông đến và gắn bó với mảnh đất này. Ông vốn sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, một trong những vựa trái cây nổi tiếng cả nước. Gia đình ông bao đời gắn với cây trái, vườn tược, nhưng tại quê nhà giá đất khá cao, không đủ điều kiện để mở rộng. Qua tìm hiểu, ông biết được thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận cũng phù hợp để trồng cây ăn trái. Vậy là năm 1997, ông để lại vợ con ở quê nhà, một mình đến đây lập nghiệp.

Ông Hai kể, ban đầu khi đến Hàm Tân ông gặp rất nhiều khó khăn, đất khu vực này không được bằng phẳng, lại không được tốt như đất miền Tây nên phải tốn nhiều công cải tạo, quá trình canh tác cũng tốn kém hơn. Đặc biệt khó khăn là  nguồn nước tưới. Ông nhớ lại: “Mùa khô thì nước sông cạn, tôi phải khoan thêm giếng. Ban đầu cây còn nhỏ, nước cũng tạm đủ, nhưng lúc cây lớn hơn, nhu cầu nước nhiều lại bị thiếu, tôi lại phải khoan giếng ở tầng sâu hơn, mà theo kinh nghiệm cá nhân thì nước ở tầng sâu không phù hợp để tưới cây...”.

Cũng về những ngày đầu nơi đất khách quê người, ông bùi ngùi nhớ lại: “Lúc đó một thân một mình tôi lên đây, khu vực này còn thưa vắng. Bạn bè lối xóm chưa có, nhiều đêm nằm một mình nhớ vợ con, nhớ quê da diết. Sống một mình thấy cũng buồn và tủi thân, nhưng tính tôi quyết không bỏ cuộc, không làm thì thôi, đã làm là phải làm cho có hiệu quả...”.

Đến nay, ông Hai Lượng đã là chủ một vườn cây có diện tích hơn 7ha, trồng hàng chục ngàn cây ăn trái các loại. Vườn cây của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho gần chục công nhân lao động.

Ông Hai cũng thường xuyên được các nhà vườn khác tìm đến học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ bí quyết trồng cây. Mỗi lần như vậy ông đều vui vẻ chỉ dẫn tận tình, vì theo ông tự nhận mình là người “biết trồng cây và thích trồng cây” nên ai hỏi gì mình biết thì sẽ sẵn sàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Lượng là người đầu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả ở địa phương. Mô hình sản xuất nông nghiệp của ông Lượng được nhiều bà con nông dân địa phương học tập, nhân rộng”.

 Ông Hoàng Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Tân

Hiện nay, mặc dù tuổi cũng đã cao, nhưng hàng ngày ông Hai Lượng vẫn miệt mài với vườn cây của mình. Từ sáng sớm ông đã dậy “thăm vườn”, kiểm tra cây cối, sắp xếp công việc cho công nhân, có khi lại cùng họ chăm sóc cây. Ngoài ra, một công việc mà theo ông là tối quan trọng mà trực tiếp ông phải làm là việc tìm kiếm, giao dịch khách hàng. Theo ông, trước đây thì các thương lái thường tìm đến tận vườn thu mua, nhưng như vậy không ổn vì mình bị lệ thuộc, không nắm được giá cả thị trường. Hiện nay, ông tự đi tìm và mở rộng thị trường, tuy có khó khăn nhưng như vậy sẽ chủ động hơn. 

“Có công mài sắt...”

Chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn của mình, ông Hai Lương thật thà cho biết: “Theo tôi, hiện nay làm nông nghiệp, nhất là việc trồng cây ăn trái là phải thay đổi, không thể làm theo cách cũ được nữa. Chúng ta phải tìm ra giống mới, lạ, chất lượng hơn, như kiểu tạo ra giống xoài nhiều quả hơn, thơm, ngọt hơn. Để làm được như vậy bắt buộc nông dân chúng ta phải áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí mới mong có lời”.

Để minh chứng cho điều mình nói, ông Lượng lấy ví dụ, bây giờ mà không có cách kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại tốt, cứ hơi một tí là đem thuốc trừ sâu bệnh ra xịt, vừa không an toàn cho nông sản, bán không ai mua, mà công nhân họ cũng sợ ảnh hưởng sức khỏe không muốn làm. Theo ông Hai Lượng, để sản xuất tốt, các nhà nông nên giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó có thể đút rút được kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn. “Vấn đề mấu chốt là phải thực sự bắt tay vào làm thì mới biết khó chỗ nào để còn trao đổi, tháo gỡ, chưa làm mà cứ hỏi theo lý thuyết thì tôi cũng chịu, không biết vứng chỗ nào mà chỉ” - ông Lượng thẳng thắn.

Về ông Hai Lượng, ông Sáu Long - một người đồng hương đã theo ông ngay từ những ngày đầu đến đây lập nghiệp, nhận xét: “Qua bao nhiêu năm theo anh Hai, tui thấy ổng sống gần gũi, hòa đồng với anh em,  luôn quan tâm đến anh em lao động như người trong gia đình. Anh Hai là một người rất đam mê, yêu nghề, luôn học hỏi cái mới để áp dụng và tận tình chỉ dạy cho những anh em chưa biết”.

Ông Tư Thái - một cựu chiến binh, là hàng xóm của ông Hai Lượng, cho hay: “Ông Hai Lượng sống chan hòa với lối xóm, ai cũng quý tính chân chất, thật thà của ông. Chính  ông Hai Lượng đã bỏ tiền túi, mua đất, làm đường đi ngang qua trang trại cho các hộ hàng xóm cùng đi...”.

Ông Nguyễn Văn Lượng là đại diện của tỉnh Bình Thuận được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông vinh dự nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018".