Dân Việt

"Thuần hóa" trái hường - của quý của núi rừng thừa tiền mua cá thịt

Công Xuân 30/09/2018 06:30 GMT+7
Cùng với số mọc hoang, những năm gần đây nhiều hộ đồng bào thiểu số người Kor ở 2 huyện Tây Trà và Trà Bồng đã mang cây hường về trồng tại các vườn rẫy để hái bán, thu về tiền triệu đồng/vụ.

img

Tháng 9 cũng là thời điểm chính vụ thu hoạch trái hường rừng của đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Trà Bồng và Tây Trà vào mùa. Dọc trên các trục đường chính nối Quốc lộ 1A đi lên 2 huyện này, la liệt các loại nông sản như măng rừng, rau xanh... với những thúng, rổ đựng hường rừng của người dân trong vùng đi hái cũng được mang ra bày bán.

img

Qua quan sát cây hường rừng trưởng thành cao từ 2-6m, với số lượng hàng trăm trái/cây/vụ. Người dân trong vùng cho biết, cây ra trái đầu tiên trong khoảng 3-4 năm. Mỗi đời cây cho trái trung bình khoảng 20 năm. Vụ thu hoạch hường bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 hàng năm thì dứt.

img

img

Trái hường có kích cỡ, hình dáng như trái cam ở đồng bằng và khi chín cũng màu vàng nhưng phần vỏ của loại trái hường rừng dày hơn. Bù lại, hường rừng có mùi thơm, vị chua, ngọt nhẹ và thanh, có thể để lâu ngày ít bị hư hỏng hơn cam. Hàng năm cứ đến tầm tháng 2-3 Âm lịch thì hường ra hoa, kết trái và đến tháng 7-8 Âm lịch thu hoạch.

img

img

Bà Hồ Thị Vin (48 tuổi), ở xã Trà Thanh, huyện Tây Trà cho biết: "Cây hường là loại cây mọc hoang trong núi. Ngày trước cứ đến mùa, bà lại mang gùi vào rừng hái về dùng trong gia đình và mang ra chợ bán. Lúc đó, do nhiều người chưa biết nên giá rất rẻ, chỉ 3-5.000 đồng/chục (10 trái)".

img

Thời gian gần đây người miền xuôi đã biết đến loại trái này nên mua rất nhiều. Vì vậy ngoài thu hái số mọc hoang, bà con còn đem về trồng ở vườn rẫy gần nhà, người ít thì 5-10 cây/hộ, nhiều 20-40 cây/hộ. Gọi là trồng nhưng do thói quen lâu không bón phân, chăm sóc gì nên vẫn là loại nông sản sạch "100%".

img

Ông Hồ Văn Nê (40 tuổi), ở xã Trà Nham, huyện Tây Trà bộc bạch: "Chỉ riêng số hường mọc hoang đi hái cũng được 80-200 trái/người/ngày, còn tính cả số trồng thì nhiều hơn. Nếu bán cho thương lái tại vườn thì được khoảng 17.000 đồng/chục, còn mang ra đường và đưa xuống chợ ngồi bán được 20-25.000 đồng/chục, mỗi vụ cũng được 5-7 triệu đồng/hộ".

img

img

Nguồn thu từ trái hường tuy không nhiều nhưng góp phần giúp hàng trăm hộ dân ở miền núi phía Tây Bắc Quảng Ngãi cải thiện bữa ăn cho gia đình.