Ông Nguyễn Bảo Sinh – chủ resort chó, mèo đầu tiên ở Hà Nội.
Resort “5 sao” - nơi con vật được bình đẳng như con người
Ông Nguyễn Bảo Sinh (SN 1940) được mọi người mệnh danh là “vua chó mèo” bởi ông dành riêng diện tích khoảng 2.000m2 đất trên đường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để xây resort dành riêng cho chó, mèo.
Resort đáp ứng đủ các tiêu chuẩn “5 sao” và chỉ dành riêng để phục vụ thượng khách là những con chó, con mèo. Bên trong resort có đầy đủ các dịch vụ, tiện nghi như dịch vụ cắt tỉa lông, móng; khám chữa bệnh; phòng nghỉ VIP… và đặc biệt là dịch vụ mai táng, cầu siêu đầy đủ từ a-z.
Chùa Tề đồng vật ngã, với mong muốn con vật được bình đẳng như con người.
Ngay cổng vào khu resort, là ngôi chùa Tề Đồng Vật Ngã. Sở dĩ, ông Sinh đặt tên chùa như vậy bởi, đạo Phật quan điểm: "Tề đồng vật ngã" có nghĩa là "con vật và con người đều bình đẳng". Con vật khi mất đi cũng được thờ cúng, làm lễ cầu siêu hóa kiếp như con người.
Ông Sinh kể, ông bắt đầu mở khu nuôi dưỡng chó, mèo từ năm 1969. Tuy nhiên, thời kỳ đó, Nhà nước chưa cho nuôi chó công khai nên ông phải nuôi trộm. Mãi đến năm 1986, khi người dân được quyền nuôi chó, mọi người mới biết đến khu nuôi dưỡng chó, mèo Bảo Sinh nhiều hơn.
Chó, mèo được chụp ảnh, lập bát hương riêng và cầu nguyện thường xuyên.
Từ năm 2000, ông mở thêm nghĩa trang cùng dịch vụ hỏa táng, chôn cất để phục vụ những gia đình có điều kiện khá giả. Đám tang của con vật được tổ chức có đầy đủ hoa quả, vòng hoa, hương nến, cờ... Thậm chí có cả người làm lễ, đọc lời cầu nguyện. Giá trọn gói dịch vụ này dao động từ 2,5 – 10 triệu đồng tùy theo yêu cầu về nghi lễ, hình thức mà chủ nuôi chọn tiến hành.
Từng vận động, kêu gọi Hà Nội không giết thịt chó
Gần đây, khi Hà Nội vận động người dân hạn chế ăn thịt chó, tiến tới năm 2021 dự kiến sẽ cấm kinh doanh, buôn bán thịt chó, mèo.
Nghĩa trang của ông Sinh đã chôn cất cho hơn 5.000 con chó, mèo.
Nói đến vấn đề này, ông Sinh cho rằng: “Đây là quy luật của tự nhiên, xu thế của thế giới. Nếu Nhà nước không can thiệp thì người dân cũng sẽ hạn chế ăn thịt chó dần dần, còn khi đã luật hóa thì việc này càng diễn ra nhanh hơn”.
Theo ông Sinh, ngày xưa, khi người dân còn đói thì lúc đó họ ăn thịt chó là bình thường. Ngay cả bản thân ông Sinh cũng từng nhiều lần ăn thịt chó. Thế nhưng, từ khi xã hội phát triển, người dân hạn chế ăn thịt chó vì họ coi chó là bạn, là vật nuôi gần gũi trong nhà.
Cũng chính ông Sinh năm 2003 đã từng vận động mọi người, những hội yêu chó… lấy chữ ký gửi lên UBND TP Hà Nội đề nghị không giết thịt chó nhưng không nhận được phản hồi.
“Con chó gần gũi với con người, hạn chế ăn thịt chó dần dần chính là phát triển tình thương với con vật khác. Đó là đạo lý của nhà Phật, tránh sự tàn bạo và lan tỏa tình yêu thương.
Bản thân tôi, khi thịt một con gà cũng phải chụp ảnh lại và làm lễ cầu siêu đủ 49 ngày mới thôi. Vì vậy, tôi rất hạn chế giết thịt hoặc ăn thịt động vật”, ông Sinh tâm sự.
Chủ resort chó, mèo Bảo Sinh cũng cho hay, chó là con vật linh của xã hội nên được mang vào các chùa chiền. Ngoài ra, con chó có ý nghĩa rất lớn, giữ phúc họa trong mỗi gia đình.
Những người yêu thương chó, mèo hoặc chó, mèo chết làm đám tang thường sẽ không tàn bạo, không cướp của giết người hay bất hiếu với bố mẹ… bởi họ coi chó, mèo như một người thân trong gia đình, đó là tình thương.
Mỗi năm có khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt tại Việt Nam, phần lớn chó đều bị bắt sống từ Lào, Campuchia.