Dân Việt

An Giang: Lũ đẹp, bắt được nhiều cá linh, giá giảm mạnh, từ 120.000 còn 20.000 đồng/ký

Đức Toàn 25/09/2018 13:05 GMT+7
Lũ đẹp, dân bắt được cá linh nhiều những giá cá linh đã giảm mạnh từ mức cao 120.000 đồng/ký đầu mùa nước nổi xuống còn 20.000 đồng/ký như hiện nay. Sau nhiều năm chờ đợi, ngóng trông, một mùa “lũ đẹp” đã về với vùng đầu nguồn sông Hậu huyện An Phú. Nhất là đối với bà con ở Cồn Cóc (ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang)-mùa nước nổi là dịp đạt lọp đánh bắt cá linh. Anh Nguyễn Minh Ngà chia sẻ: "Thời điểm cá chạy, mỗi lần thăm có thể kiếm được khoảng 20kg cá linh, có ngày không đúng luồng cá linh chỉ kiếm được khoảng 10kg cá...".

Mùa lũ về không chỉ mang theo phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, mà còn mang theo nhiều sản vật cá tôm, cua, rắn, ếch rất phong phú, giúp người dân miền Tây, nhất là người dân vùng đầu nguồn An Giang cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập gia đình.

Sau nhiều năm “chờ đợi”, mùa “lũ đẹp” đã về với vùng đầu nguồn An Phú, nhất là đối với bà con ở Cồn Cóc (ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, An Phú, An Giang). Mùa lũ về không chỉ mang theo phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, mà còn mang theo nhiều sản vật phong phú, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập gia đình.

img

Nghề đặt lọp bắt cá linh mùa nước nổi ở vùng đầu nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Những ngày này, bất kể mưa hay nắng, anh Nguyễn Minh Ngà (sinh năm 1981) đều đặn chạy xuồng ra cánh đồng gần nhà để đánh bắt thủy sản. Anh Ngà cho biết, gia đình anh có gần 1ha đất ruộng ở ngoài khu vực đê bao.

Mùa khô, gia đình anh trồng các loại rau màu như: bắp, ớt, các loại rẫy... để tạo thu nhập cho gia đình. Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, nước về tràn ngập cánh đồng. Do không thể canh tác, anh Ngà đặt lọp cá linh để kiếm “đồng ra, đồng vào” nhằm trang trải bữa ăn hàng ngày, lo cha mẹ già cùng 2 người con đang ở tuổi ăn học. 

Mỗi ngày 2 lần, buổi sáng từ 5 - 6 giờ và buổi chiều từ 13 giờ, vợ, chồng anh Ngà bắt đầu ra đồng thăm lọp cá linh. Theo anh Ngà, khi đặt lọp, phải cắm thanh tre dài khỏi mặt nước để đánh dấu vị trí mình đặt, trên thanh tre buộc dây màu để tránh nhầm lẫn với những hộ khác.

Để “nhử” cá, anh Ngà chủ yếu sử dụng cám nấu và được vo thành từng viên lớn. Chia sẻ về kinh nghiệm đặt lọp cá linh, anh Ngà cho biết: “Ở những chỗ cạn, nước hơi đục là nơi cá linh tụ tập nhiều nhất. Vì vậy, khi thăm lọp, phải chú ý đến dòng nước, mực nước”.

img

Đặc sản cá linh đầu mùa ở An Giang giá 60.000-120.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá cá linh rớt mạnh xuống chỉ còn 10.000-20.000 đồng/kg. Ảnh: IT.

Hiện nay, anh Ngà đặt khoảng 50 cái lọp cá linh/ngày. Thời điểm cá chạy, mỗi lần thăm có thể kiếm được khoảng 20kg cá, có ngày không đúng luồng cá chỉ kiếm được khoảng 10kg cá. “Thu hoạch cá xong đem về nhà rọng lại, hôm sau đem ra chợ bán. Đầu mùa lũ, giá cá linh bán tại chợ dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg.

Hiện nay, cá bị rớt giá, lúc đầu còn 20.000 đồng/kg rồi liên tục xuống 10.000 đồng/kg và nhiều hôm giá chỉ còn khoảng 6.000 đồng/kg” - anh Ngà thông tin. Ngoài thời gian đặt lọp, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Ngà làm thêm lọp để đặt theo các con nước nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Theo anh Ngà, lọp anh làm có thể sử dụng trong 2 - 3 năm, lọp mua chỉ sử dụng 1 năm phải thay mới.

Sản vật mùa nước nổi-Quà tặng của lũ

Nhiều ngư dân ở Cồn Cóc nhận định, năm nay nước lớn, lượng thủy sản theo con nước từ thượng nguồn chảy về phong phú hơn so với những năm trước. Ông Nguyễn Minh Hương (81 tuổi) cho biết: “Tính ra cũng 6 năm (từ năm 2011), nước lũ không về nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay, nước cao hơn mọi năm nên lượng tôm, cá nhiều hơn. Đặc biệt, có những loại cá như cá leo tưởng như đã không còn xuất hiện nhưng năm nay tôi đặt lọp, đặt dớn cá xuất hiện cũng khá nhiều” - ông Hương vừa nói vừa khoe với chúng tôi bọc khô cá leo.

img

Ngoài đặt lọp, để bắt cá linh mùa nước nổi, người dân vùng đầu nguồn An Giang còn đặt dớn để bắt loài cá này. Ảnh: Lê Gia Bảo (Danviet).

Hiện nay, mặc dù chủng loại cá rất phong phú nhưng sản lượng cá, đặc biệt là cá linh không nhiều. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tòng (người dân cố cựu ở Cồn Cóc) cho biết: “Thời điểm này nước bêu nên cá không nhiều. Khoảng tháng 9 - 10 (âm lịch), khi nước rút, đặt lọp cá linh mới có nhiều”.

Năm nay nước lũ về, bà con Cồn Cóc nói riêng, ngư dân đầu nguồn huyện An Phú nói chung rất phấn khởi. Nhiều hộ dân ở đây, đặc biệt là những hộ nghèo, không có đất sản xuất có thêm kế sinh nhai.

Lọp bắt cá linh được làm bằng tre, đường kính khoảng 20cm, cao khoảng 30cm. Phía trên có miệng để đổ cá ra ngoài, phía dưới có hom để cá có thể chui vào nhưng chui ra không được. Còn 2 bên hông lọp có 2 thanh tre nhọn để cố định lọp không bị nước cuốn đi.