Giải thích về tên gọi "măng cụt rừng", nhiều người dân miền núi Quảng Ngãi cho rằng, do kích cỡ trái tương đương với trái măng cụt lại thêm lớp vỏ dày, đặc biệt là phần ruột bên trong của của "măng cụt rừng" cũng phân thành múi như măng cụt trồng ở đồng bằng, nên mới gọi như vậy.
Cận cảnh trái "măng cụt rừng".
"Măng cụt rừng" mọc hoang khá nhiều và phổ biến ở vùng miền núi và một số vùng đồng bằng của Quảng Ngãi, với chiều cao khi trưởng thành từ 3-8m.
"Măng cụt rừng" to cỡ 2/3 nắm tay người lớn và có mùi thơm nhẹ. Trái có lớp vỏ ngoài khá dày khi non có màu xanh và ngả vàng khi chín. Phần thịt bên trong màu vàng nhạt và chia thành các múi. Mùa thu hoạch "măng cụt rừng" ở vùng núi Quảng Ngãi kéo dài từ đầu tháng 6-8 Âm lịch hàng năm.
Ông Hồ Văn Bin (46 tuổi), ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà kể: "Cứ đến mùa là lũ trẻ trong làng lại rủ nhau đi hái "măng cụt rừng" về ăn, chứ mấy ai mua làm gì. Tuy nhiên gần đây cùng với hương vị ngọt chua xen lẫn rất lạ, "măng cụt rừng" là nông sản "sạch 100%" nên được nhiều thương lái ở đồng bằng lên mua về bán, với giá hiện khoảng 35.000 đồng/kg".
Theo đó cứ đến mùa người dân lại mang gùi, bao đi vào rừng tìm hái về bán. Thường thì, hôm hái ít cũng được khoảng 5-10 kg mỗi người, ngày nhiều 20-30 kg mỗi người. Ngoài bán cho thương lái mang về xuôi, người dân miền núi còn bày "măng cụt rừng" xen với các loại nông sản khác ra ven đường để bán cho khách qua lại.