Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ khi nhậm chức (Ảnh: Quochoi.vn)
Kỷ niệm khó quên
GS Vũ Minh Giang kể với PV Dân Việt, ông có cơ duyên gặp gỡ làm quen và giữ mối quan hệ với Đại tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tính đến nay đã hơn 16 năm. Thời điểm đó ông Trần Đại Quang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, mang cấp hàm Đại tá.
“Bắt đầu là từ một nhận xét có tính chất cảm tính của tôi về ông và sau đó mối quan hệ của tôi với ông ngày càng thân thiết. Khi ông ở những cương vị công tác cao tôi vẫn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, làm việc và giúp ông một số việc”, GS Giang nhớ lại.
GS -TSKH Vũ Minh Giang. (Ảnh: IT)
“Mặc dù lúc đó cấp hàm là Đại tá nhưng trông ông có cái uy của một vị tướng. Tôi nói đùa, tuy nay là Đại tá nhưng mai kia mừng các quyết định lên tướng không kịp. Ông Quang cười bảo, thầy cứ nói quá. Câu nói đùa này của tôi lúc đó nhiều người biết. Sau đó từ năm 2003 ông được phong Thiếu tướng, rồi được thăng lên Trung tướng, Thượng tượng, đến 2012 là Đại tướng”, GS Giang nhớ lại nhận xét mà ông nói rằng "cảm tính"
Vẫn theo GS Giang, nếu như vẻ bề ngoài của ông Quang là sự đạo mạo thì khi tiếp xúc lại thấy ông là người rất thân thiện, giản dị và khiêm tốn.
“Dù ở cương vị cao (Bộ trưởng Bộ Công an, sau là Chủ tịch nước) nhưng mỗi khi tôi có việc và gọi điện, có thể ngay lúc đó do bận nên ông không nghe máy, nhưng sau đó đều gọi lại hoặc nhắn tin cho tôi. Điều này cho thấy ông là người có cách ứng xử có trước, có sau. Sau này tôi tìm hiểu thêm thấy các thầy giáo của ông Trần Đại Quang thời phổ thông cũng đều nhận xét ông cũng là người giữ tình nghĩa với thầy cô, bạn bè”, GS Giang cho biết.
GS Vũ Minh Giang chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Phong cách của một thầy giáo
Theo GS Vũ Minh Giang, ông Trần Đại Quang làm tướng, sau làm Chủ tịch nước (nguyên thủ) nhưng điều khiến ông ấn tượng khi thấy vị lãnh đạo luôn rõ nét phong cách một người thầy.
“Khi gặp người hiểu biết để cùng đàm đạo, tôi nhận thấy hiểu biết của ông Trần Đại Quang rất sâu sắc. Mặc dù rất bận nhưng ông vẫn dành thời gian nghiên cứu chuyên môn và viết bài. Tôi còn giữ hai cuốn sách ông tặng là cuốn sách nói về không gian mạng và cuốn nói về vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây đều là hai vấn đề lớn”, GS Vũ Minh Giang nói.
Sau khi lên làm Chủ tịch nước một thời gian ngắn, những nơi ông Trần Đại Quang đến thăm đầu tiên chính là hai Viện hàn lâm: Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Tại đây, ông rất chú ý lắng nghe tiếng nói, tâm tư của các nhà khoa học và có những ý kiến phát biểu sâu sắc.
Trên cương vị Chủ tịch nước, ông rất quan tâm tới giáo dục, tháng 10.2016 đến thăm làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM, vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông đến làm việc với Bộ GD–ĐT. Ông cũng có những ý kiến chỉ đạo quan trọng về việc đổi mới căn bản toàn diện công tác giáo dục, đào tạo...
“Những việc làm đó tôi đánh giá không phải chỉ mang tính hình thức mà xuất phát từ cái tâm của một nguyên thủ. Từ trong suy nghĩ ông luôn đánh giá cao vai trò của khoa học và giáo dục. Và không phải ngẫu nhiên ông đi thăm rất nhiều trường học. Điều này cũng thể hiện cốt cách của một trí thức”, GS Vũ Minh Giang cho hay.
bút tích của Chủ tịch nước tại phòng Truyền thống của Bộ GD-ĐT
GS Vũ Minh Giang kể tiếp, có lần ông được Bộ Công an mời tham gia nghiệm thu đề tài cấp Bộ do ông Trần Đại Quang làm chủ nhiệm: Đề tài Văn hóa ứng xử của Công an nhân dân.
“Tiêu đề đó khiến tôi háo hức xem thế nào và thấy trong đó có cách đặt vấn đề rất có tầm. Ví dụ như biện giải được việc tại sao Hồ Chủ tịch lại dạy Công an nhân dân 6 điều đều bắt đầu từ 2 chữ “đối với”. Chính Bác Hồ đã chỉ ra bản chất hoạt động của lực lượng công an là xử lý các mối quan hệ của nhân dân”, GS Giang phân tích thêm.
Văn hóa ứng xử này được GS.TS Trần Đại Quang nâng lên tầm mức mới, coi đó không chỉ là mối quan hệ thông thường. Với Công an nhân dân phải coi đó như một biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, thậm chí coi đó là thứ vũ khí sắc bén. Với tư cách là Bộ trưởng Công an, ông yêu cầu hệ thống trường của lực lượng công an phải đưa nội dung dạy văn hóa ứng xử cho các học viên.
Một ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch nước Trần Đại Quang được thể hiện trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore, tháng 8.2016. Khi đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore (Singapore Lecture) thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam tham dự và phát biểu tại Singapore Lecture cũng là một trong số ít những nguyên thủ được mời phát biểu tại đây.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói về diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực. Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua.
“Câu này nghe dường như quen, nhưng ẩn ý sâu xa của tư tưởng lớn là người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, làm tất cả vì hòa bình, không phải sợ chiến tranh mà là biết tổn hại, sức tàn phá, hậu quả nặng nề của chiến tranh. Với một dân tộc có lịch sử chống ngoại xâm nào cũng thắng nhưng cũng biết cái giá đắt phải trả cho chiến tranh. Luận điểm này được các vị lãnh đạo và báo chí nước ngoài đánh giá cao”, GS Vũ Minh Giang cho biết.
GS –TSKH Vũ Minh Giang kể thêm, ông có may mắn được tham dự một số sự kiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp và chiêu đãi các nguyên thủ nước ngoài, như năm 2016 tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, năm 2017 tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
“Ông Trần Đại Quang rất chủ động và luôn làm chủ tình hình. Ví dụ khi tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ngồi được khoảng 30 phút, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ động dẫn ông Trump đi chào hỏi những người tham gia buổi tiệc chiêu đãi, qua bàn của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, qua bàn của chúng tôi… Chủ tịch nước giới thiệu rất chân tình giúp cho Tổng thống D.Trump bày tỏ thái độ thân thiện với mọi người. Cử chỉ ngoại giao đó của Chủ tịch nước được mọi người đánh giá rất cao”, GS Giang nhấn mạnh. |