Dân Việt

HN "mặc đồng phục" cho 500 xã, phường: Trụ sở mới có đập đi xây lại?

Thành An 25/09/2018 15:53 GMT+7
Hà Nội tính "mặc đồng phục" cho gần 500 xã, phường, liệu có tính đến việc các trụ sở hiện nay vẫn còn, thậm chí mới xây cũng sẽ phải đập đi xây lại, gây tốn kém ngân sách? - Đây là băn khoăn lo lắng của nhiều người trước đề xuất vừa được Hà Nội đưa ra.

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của TP.Hà Nội, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận, huyện vào phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

img

Một phương án kiến trúc trụ sở phường được đưa ra lấy ý kiến. Ảnh: HRAP

Theo đó, gần 500 trụ sở xã, phường Hà Nội dự tính sẽ thống nhất hình ảnh nhận diện; thống nhất về tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện; bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội, khóa VIII (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng: "Việc Hà Nội có ý định tạo điều kiện để cho mỗi một xã, phường, thị trấn có có trụ sở, văn phòng làm việc khang trang là rất tốt. Tuy nhiên, cần phải xem lại những điều kiện, thực trạng cụ thể của những trụ sở, văn phòng cũ và điều kiện kinh tế ở mỗi địa phương, vùng, miền..."

Theo bà Bùi Thị An, ý tưởng đưa ra chuyện xây các trụ sở chính quyền ở xã, phường, thị trấn tương đối giống nhau thì tiết kiệm được tiền thiết kế. Song, phải làm rõ, trong bao nhiêu xã, phường, thị trấn đó thực trạng của nó hiện như thế nào? Cái nào còn dùng được, cái nào không? Cái nào xuống cấp thực sự không dùng được nữa thì mới xây lại còn cái nào còn sửa chữa được thì nên sửa chữa. Còn những cái dùng quá tốt thì cứ dùng bình thường.

Bên cạnh đó, mỗi xã, phường, thị trấn ở Hà Nội lại có đặc thù khác nhau, nơi thì đồng bằng, nơi miền núi. Mỗi cái thiết kế đồng bộ nhà cao tầng, nhà thấp tầng ra sao cũng phải được tính toán. Nhà thấp tầng thì ở TP không có điều kiện, cao tầng đưa về nông thôn chưa chắc đã thích hợp.

“Ý tưởng thì tốt vì có thể tiết kiệm được cho nhà nước, cho ngân sách của TP nhưng về tổng thể cần xem xét lại. Trong điều kiện chưa phải dư dả lắm như hiện nay, có thể thiết kế thành mấy loại hình như ở nông thôn, trong đó có nông thôn trung du, nông thôn miền núi; ở TP cũng khác nhau. Do đó cần phải cân nhắc nghiên cứu kỹ việc này, còn một lúc xây đồng loạt thì nên phải xem lại. Việc này không thích hợp” – bà Bùi Thị An lưu ý.

img

Mẫu UBND Thị trấn Văn Điển do địa phương cung cấp. Ảnh: HRAP

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, ông chưa nắm được thông tin. Tuy nhiên, nếu có thì phải làm thành đề án, đề án được phê duyệt thì mới công bố, triển khai. Nếu không, chắc chắn dư luận sẽ có các quan điểm cho rằng: các trụ sở hiện nay vẫn còn mới nếu đập đi làm lại thì không chắc đã tốt; có người lại lo ngại là tốn tiền trong khi đầu tư công có vấn đề nên phải tiết kiệm v.v…

Được biết, phương án thiết kế mẫu trụ sở đã được báo cáo xin ý kiến tại cuộc họp tập thể UBND TP.Hà Nội cuối năm 2017. Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc có công văn xin ý kiến UBND các quận, huyện.

Trong phương án kiến trúc được đưa ra lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các công trình cần "thống nhất hình ảnh nhận diện; thống nhất về tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện". Cụ thể, trụ sở cần thống nhất về hình khối ngôn ngữ kiến trúc; bố cục công trình; vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Đơn vị tư vấn đề xuất diện tích đất phù hợp để xây dựng trụ sở chính quyền cấp xã, theo các khu vực: đô thị trung tâm diện tích tối thiểu 300 m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 6 (kể cả tầng trệt để xe nếu có) theo quy hoạch khu vực cho phép; diện tích tối đa nên khoảng 2.000 m2. 

Đối với khu vực đô thị trung tâm mở rộng, các đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 880 đến 3.900 m2, mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao tối đa là 5. 

Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 1.530 đến 4.100 m2, mật độ xây dựng khoảng 25-30%, cao không quá 3 tầng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng là 483. Trong đó có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa.

Hà Nội hiện nay có 584 trụ sở (386 công trình ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn 2011-2015 các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng mức vốn bố trí trên 1.600 tỷ đồng. Hiện thành phố còn 7 xã, phường phải thuê trụ sở.