Dẫn chúng tôi tham quan trại nấm đang cho thu hoạch của gia đình, nhìn những cánh nấm sò trắng lớn dần nơi bóng tối, ẩm ướt mà thấy thích thú. “Trồng nấm tuy đơn giản, thu nhập cao nhưng cũng dễ gặp rủi ro. Vì vậy, từ khâu làm nguyên liệu, chăm sóc đến khi thu hoạch, người làm phải thực hiện đúng kỹ thuật”, chị Tiệp nói.
Những mầm nấm lớn dần lên khi có nhiệt độ và ánh sáng phù hợp.
Dù điều kiện thời tiết khá nóng, không thuận lợi cho sự phát triển của nấm nhưng những cánh nấm vẫn lặng lẽ lớn đều, dày cùi, màu trắng đẹp mắt. Tận mắt thấy thành quả mới cảm nhận được chị Tiệp đã dành bao tâm huyết cho nghề trồng nấm. Kể về cơ duyên đến với nghề trồng nấm, chị Tiệp bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, cuộc sống của cả nhà đều trông vào mấy cây lúa. Sau khi lập gia đình vào năm 1994, hai vợ chồng chăm chỉ làm ruộng vườn, rồi lúc nông nhàn thì đi buôn gà vịt để kiếm thêm thu nhập nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn".
Năm 2012, tình cờ chị có cơ hội tham gia một buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm. Sau buổi đó, chị bắt đầu nung nấu ý tưởng với nghề mới. “Chẳng biết duyên số thế nào tôi lại đăng ký học mô hình trồng nấm ăn, dù trong xã chưa ai từng trồng và cũng chẳng ai tham gia học. Thế nhưng, càng học tôi lại càng mê vì trước giờ ăn cọng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ… đều trong tự nhiên, nay mình có thể tự tay trồng thì hay quá. Với cả nguyên, vật liệu trồng nấm cũng chẳng khó kiếm mà giá thành rẻ”, chị Tiệp tâm sự.
Chị Tiệp thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm tại khu xưởng làm nấm của gia đình.
Từ đó, chị bắt đầu nung nấu ý tưởng phát triển một trại sản xuất nấm sạch để cung cấp ra thị trường. Chị tham quan, học tập các mô hình trồng nấm ở TP.Lạng Sơn. Đặc biệt, để học được nghề trồng nấm chị đã quyết định làm thuê tại xưởng làm nấm, tối đến lại phụ giúp trại nấm đóng bầu không công ròng rã cả tháng trời.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, sau thời gian trực tiếp được bắt tay vào làm tại xưởng nấm với lưng vốn kiến thức có được chị hăm hở về nhà bàn với gia đình gom vốn và vay mượn thêm bạn bè để đầu tư trại trồng nấm. Diện tích trồng lúa trước kia của gia đình được thay bằng dãy nhà hơn 100m2, tận dụng rơm, rạ và mua mùn cưa để làm giá thể trồng nấm. Chị bàn với chồng xuống Viện Di truyền nông nghiệp Trung ương để tìm hiểu về bầu giống và liên hệ đặt mua giống.
Trung bình một bịch giống 5 lạng này có thể cấy được 20 bịch giá thể nấm.
Chị Tiệp tâm sự: “Khi mới bắt đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cũng gặp nhiều khó khăn, thất bại. xưởng ban đầu có diện tích 100m2 sản xuất 6.000 bịch nấm, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đợt đầu bị hỏng hơn 1.000 bịch”. Không nản lòng, chị lại bắt đầu vừa làm vừa tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm đến nay chị đã thành công và cung cấp sản phẩm nấm của gia đình ra thị trường.
Nhiều khách hàng đến tận nơi để tham quan học tập mô hình làm nấm của gia đình chị Tiệp.
Tuy bước đầu đã dần có thu nhập nhưng chị Tiệp vẫn băn khoăn vì năng suất nấm chưa cao cây nhỏ và có “mã” không đẹp do nấm thiếu chất dinh dưỡng, ngoài ra các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng chưa hợp lý. Để khắc phục, chị bổ sung thêm chất tỉ lệ hợp lý, cân đối lại độ ẩm sau đó cho vào máy hấp, sấy để tiệt trùng và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho nấm. Đặc biệt chú ý kiểm soát nhiệt độ: mùa nắng nóng thì phải đưa ra giá thể nấm ra chỗ thoáng mát; khi thời tiết lạnh cần che chắn kỹ càng để bảo đảm quá trình sinh trưởng của nấm...
Chị Tiệp cho biết: "Nguyên liệu trồng nấm tôi sử dụng hoàn toàn từ mùn cưa và rơm. Mùn cưa mua rất rẻ, còn rơm thì đi xin do bà con bây giờ khi thu hoạch lúa xong thường đốt bỏ. Bởi vậy tôi đã nghĩ đến việc tận dụng nguyên liệu thừa này. Tôi đi thu lượm rơm của bà con rồi mang về dự trữ để dự trữ trồng nấm sò. Vấn đề còn lại là kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm".
Loại nấm sò này phát triển rất tốt vào mùa đông, hợp với thời tiết, khí hậu lạnh.
Đến năm 2015, chị Tiệp mở thêm 100m2 diện tích xưởng làm nấm, nâng quy mô sản xuất lên 12.000 bịch. Từ ngày mở xưởng nấm đến nay, chị Tiệp đã tạo được việc làm ổn định cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sau hơn 6 năm trồng nấm, chị đã có một lượng khách hàng quen ở các vùng lân cận như: Văn Lãng, Bình Gia, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn….Đồng thời chị cũng tự mang bán tại chợ với giá dao động 40-45.000 đồng/kg.
Nhờ sự chịu thương, chịu khó, hiện nay trung bình mỗi năm chị có lãi hơn 150 triệu đồng từ làm nấm. Nhận thấy mô hình sản xuất nấm của gia đình chị Tiệp mang lại hiệu quả, đã có nhiều hộ gia đình đến tham quan, học hỏi. Chị luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kĩ năng, cũng như kinh nghiệm để mọi người cùng làm.