Hội Nông dân (ND) TP.HCM có vai trò rất lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế hợp tác, nâng cao thu nhập cho hội viên, ND.
Trong những năm qua, các cấp Hội ND của thành phố đã vận động hội viên ND tích cực thực hiện các hình thức liên kết sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ. Giai đoạn 2013 - 2018, Hội ND TP.HCM đã vận động nông dân tham gia vào 229 tổ hợp tác (THT), 33 HTX, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên 75.
Các THT, HTX hoạt động thuận lợi hơn do có thị trường tiệu thụ, quy mô tổ chức dịch vụ, sản xuất đa dạng, thu nhập bình quân của thành viên đạt mức ổn định từ 40 - 50 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, hiệu quả nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế do cả chủ quan và khách quan, trong đó có vai trò của các cấp Hội ND.
Thu hoạch nấm tại HTX Nấm Việt. Ảnh: Thuận Hải
Hoạt động của các THT, HTX còn một bộ phận lớn mang tính nhỏ lẻ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp; tích lũy vốn để đầu tư phát triển không cao; cơ sở vật chất và vốn điều lệ đóng góp không đủ, không huy động được vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh…
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội ND TP.HCM đánh giá, hầu hết các HTX đang gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, nguồn vốn, cho tới năng lực quản lý... Tính liên kết với các thành phần kinh tế tập thể khác còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến nhiều HTX yếu dần, phải giải thể hoặc dự kiến giải thể.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay đã giải thể 6 HTX và dự kiến giải thêm 18 đơn vị nữa trong tổng số 75 HTX. Số THT thành lập mới khá cao nhưng việc quản lý tổ chức và hoạt động chưa có sự thống nhất giữa địa phương và các sở, ngành, các cấp hội. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, bài toán đặt ra trong nhiệm kỳ mới 2018 – 2023 là Hội ND thành phố cùng với các sở ngành liên quan phải tập trung và cam kết có lộ trình giải quyết các vướng mắc cho HTX.
“Các HTX cũng phải thay đổi lại nhận thức từ quy mô, cách thức hoạt động. HTX phải đáp ứng được nhu cầu thị trường chứ không phải làm nhiệm vụ chính trị” - Bí thư Thành ủy yêu cầu.