Dự án chậm tiến độ, người dân khốn khổ
Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội do Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư có diện tích 300 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng (tương đương 250 triệu USD), tiến độ xây dựng từ năm 2006-2014. Dự án này đã được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương và triển khai thực hiện từ hơn 10 năm trước nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện và cũng không có văn bản nào chính thức trả lời cho người dân biết dự án có tiếp tục hay không, đó chính là lý do khiến họ phản ứng gay gắt.
Theo người dân, sự chậm trễ này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, khiến bức xúc kéo dài, nhiều nỗi khổ phải chịu đựng hàng chục năm, kêu trời không thấu. Nhiều hộ dân (4-5 cặp vợ chồng, con cháu) phải ở chung trong một nhà chỉ vài chục m2, do nằm trong dự án nên theo quy định không được xây dựng sửa chữa, trong khi đất tái định cư vẫn chưa được bố trí. Họ yêu cầu chính quyền trả lời thẳng thắn dự án này có tiếp tục thực hiện hay không và cần khẩn trương bố trí tái định cư, tạo điều kiện sửa chữa công trình công cộng.
Hội trường buổi đối thoại tại UBND xã Cát Hải chất kín người. Ảnh: Dũ Tuấn
Trong khi đó, dự án Khu Phức hợp du lịch sinh thái Pegasus tại Bình Định do Công ty tư vấn và đầu tư Pegasus (gọi tắt công ty Pegasus) làm chủ đầu tư có diện tích 60,86ha tại thôn Tân Thanh, tổng số vốn đầu tư 216,73 tỉ đồng (tương đương 10 triệu USD), tiến độ xây dựng từ năm 2015- 2024.
Người dân cho hay, đến nay dự án này vẫn còn 8 hộ dân chưa đồng ý mức hỗ trợ bồi thường vì cho rằng còn thấp. Chủ yếu sống bằng nghề biển, người dân mong muốn chính quyền quan tâm, có chính sách hỗ trợ phù hợp, có nơi neo đậu tàu thuyền, không gây ảnh hưởng đến sinh kế.
Lãnh đạo xin lỗi dân
Trước nỗi khổ của người dân, ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định liên tục nói lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về dự án chậm tiến độ kéo dài.
“Chúng tôi thấu hiểu tất cả nỗi khổ của người dân, thay mặt lãnh đạo Ban, tôi chân thành xin lỗi bà con xã Cát Hải bị ảnh hưởng bởi dự án chậm tiến độ. Tôi xin nhận khuyết điểm và tất cả thiếu sót đã gây ra, khiến người dân phải gánh chịu những hệ lụy, thiếu thốn trong hơn 10 năm qua”, ông Hùng nói.
Ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định nói lời xin lỗi người dân. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Hùng cho rằng, nguyên nhân chính khiến dự án tại thôn Vĩnh Hội chậm tiến độ là chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, trong khi đó ngân sách tỉnh quá khó khăn, nhà đầu tư lại không chịu hợp tác vì năng lực yếu.
“Khi tỉnh đề nghị nhà đầu tư ứng tiền để giải phóng mặt bằng họ không đáp ứng. Vì thế, tỉnh tạm giao trước 130ha để họ nộp tiền thuế đất với số tiền 37 tỷ, họ không đủ khả năng chi trả. Cuối năm 2015, Ban đã ra quyết định thu hồi nhưng rà soát lại cơ sở pháp lý, tỉnh phải đàm phám xây dựng lại tiến độ dự án. Sau nhiều lần nhà đầu tư thất hứa, Ban tiếp tục ra quyết định thu hồi thì bị họ khởi kiện, tỉnh dự định theo kiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sắp tới cần phải đàm phán lại”, ông Hùng thông tin.
Lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định nhận định, giai đoạn 2 của dự án tại thôn Tân Thanh được xây dựng vào năm 2019, tiến độ dự án này hơi chậm nhưng tỉnh đã chấp thuận cho nhà đầu tư nên cần tôn trọng vì họ chưa vi phạm. Ông Hùng hứa với chiều dài mặt biển thôn Tân Thanh là khoảng 2.5km, sau khi giao đất cho nhiều dự án thì Ban sẽ chừa khoảng 350m mặt biển và lối ra biển cho người dân.
Ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư Huyện ủy Phù Cát: "Ngôi nhà chỉ khoảng 30m2 mà có 4 đến 5 cặp vợ chồng, con cháu thì họ phải sống làm sao?". Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư Huyện ủy Phù Cát cũng nhận trách nhiệm người đứng đầu của huyện vì sự chậm trễ dự án ở thôn Vĩnh Hội đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
“Tính từ thời điểm khởi công, sự chậm trễ này kéo dài 13 năm rồi. Mọi nơi khác đều phát triển nhưng riêng thôn Vĩnh Hội thì chẳng phát triển gì cả, đời sống, điều kiện dân sinh, công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng không được xã đầu tư vì chúng tôi cứ nghĩ đây là khu vực dự án. Nhiều gia đình có ba đến bốn thế hệ phải ở chung nhà, ngôi nhà chỉ khoảng 30m2 mà có 4 đến 5 cặp vợ chồng, con cháu thì họ phải sống làm sao? Người dân lâm cảnh “chết dở, sống dở”, tới đây cần phải giải quyết việc tái định cư, đất ở cho họ, khi đó mới yên dân được”, ông Trình đề nghị.
Chờ đến bao giờ?
Người dân đồng thuận với lời xin lỗi của lãnh đạo địa phương, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, họ yêu cầu chính quyền cần phải có động thái mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy tiến độ dự án cũng như giải quyết rốt ráo các vấn đề cấp bách về đời sống dân sinh cho người dân vùng ảnh hưởng.
Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội chậm tiến độ hơn 10 năm. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Họ tìm mọi cách xin gia hạn dự án, chưa giải phóng xong mặt bằng thì tỉnh đành giao hơn 130ha đất sạch nhưng họ không nộp thế, không thực hiện. Năm 2015, tỉnh đã 1 lần ký thu hồi dự án này, sau đó nhà đầu tư cam kết ứng tiền giải phóng mặt bằng nhưng họ không làm.
Khi tôi ký quyết định thu hồi dự án thì xuất hiện hàng loạt đơn thư từ phía nhà đầu tư gởi đến tận Trung ương, Thủ tướng Chính phủ với đề nghị không đàm phán được sẽ kiện ra tòa án quốc tế. Bãi biển rất đẹp, người dân ủng hộ thế nhưng dự án được triển khai 13 năm đến hôm nay mới chỉ có 1 container, thì quá bức xúc”.
Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: "Quá bức xúc vì dự án chậm tiến độ". Ảnh: Dũ Tuấn
Kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời thời điểm chính xác dự án sẽ tái khởi động trở lại mà chỉ dám hứa sẽ đàm phán quyết liệt để có kết quả dứt điểm, sau đó báo cáo lại cho người dân.
“Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm cho UBND tỉnh Bình Định trong việc lựa chọn, đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Tới đây, phải nhanh chóng lên phương án tái định cư tại chỗ hoặc chuyển đến xã Cát Tiến để giải quyết vấn đề chỗ ở cho người dân. Còn đối với 8 hộ dân không đồng ý mức hỗ trợ dự án tại thôn Tân Thanh, tôi đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế ngồi lại để lắng nghe tâm tư, giải quyết thấu đáo.
Thực ra, trước khi đặt bút ký cho chủ trương thực hiện bất kỳ dự án nào, lãnh đạo tỉnh luôn nghĩ đến sinh kế, cuộc sống người dân. Lãnh đạo mà làm sai đến khi về hưu vẫn bị xử lý trách nhiệm, người dân cứ yên tâm”, ông Long khẳng định.