Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị sở hữu 5 trên tổng số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương sẽ được chuyển giao về “Siêu ủy ban” (Ảnh minh họa)
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào tháng 10 tới. Khối lượng công việc của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh và các đồng nghiệp trong thời gian tới dự kiến sẽ khá nặng nề khi phải quản lý khối tài sản trị giá 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 50% giá trị vốn Nhà nước tại DN.
Trong số 19 doanh nghiệp được bàn giao về “Siêu uỷ ban”, không thể không nhắc tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị sở hữu 5 trên tổng số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương: Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX); Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
5 dự án ngàn tỷ "đắp chiếu"
Còn nhớ, tại một cuộc họp diễn ra chiều 5.7.2017 của Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng không hài lòng với sự giậm chân tại chỗ của tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với các nhà máy đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ và các dự án, nhà máy nhiên liệu sinh học.
Trong đó, nhà máy Ethanol Dung Quất tới nay không chạy lại được vì không bảo đảm cả yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Xơ sợi Đình Vũ thì ngày càng xấu đi vì vướng vào kiện tụng. Còn Nhà máy Đóng tàu Dung Quất thì chưa thực hiện quyết toán hợp đồng thầu EPC khi xây dựng nhà máy giai đoạn 1 và chưa thống nhất được giá trị/chi phí thực hiện của chủ đầu tư dự án tàu 104.000 DWT để PVN làm cơ sở ký kết hợp đồng nhận nợ, thế chấp tài sản bảo đảm và trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ lãnh đạo Tập đoàn nói sẽ khởi động chạy lại Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất nhưng tới nay vẫn chưa chạy lại. Còn về tranh chấp hợp đồng EPC khi xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất và bàn giao tàu 104.000 DWT, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao nhà thầu và chủ đầu tư đều trực thuộc Tập đoàn Dầu khí và các doanh nghiệp nhà nước mà không xử lý được với nhau?
“Do các đồng chí không chịu làm. Không nói chung chung nữa vì càng nói càng không làm được đâu. Cả Quốc hội, Chính phủ rồi toàn dân bức xúc mà lãnh đạo Tập đoàn làm như không phải việc của mình”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gay gắt.
Một góc Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ). (Ảnh: I.T)
Câu chuyện xử lý 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương, trong đó có 5 dự án của PVN tiếp tục trở thành chủ đề nóng trên nghị trường tại kỳ họp quốc hội thứ 5, khóa XIV.
Theo Báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước, Công ty cổ phần Hóa dầu & Xơ sợi dầu khí (PVTEX) tồn tại một khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro lên tới 1.204 tỷ đồng, đồng thời tình hình tài chính khó khăn nên được Vietinbank cơ cấu lại nợ. Đồng cảnh ngộ với PVTEX còn có Công ty CP DAP số 2 - Tập đoàn Hóa chất với khoản nợ 1.113 tỷ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: 1.824 tỷ đồng, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc: 1.921 tỷ đồng, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung: 4.646 tỷ đồng, Dự án Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hóa chất 725,9 tỷ đồng.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
Những dự án thua lỗ này của PVN cũng khiến nghị trường nóng lên. Phát biểu tại nghị trường sáng ngày 28.5.2018, ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, nêu lên thực trạng: “Tôi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), cử tri rất bức xúc trước việc 50 ha bờ xôi ruộng mật đã di dời làm nhà máy Ethanol. Dự án chi hàng hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã dừng triển khai 5, 6 năm nay, nhà xưởng thiết bị máy móc đắp chiếu, rất xót xa”.
Theo đó, Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, được khởi công xây dựng từ quý III.2009 trên diện tích 50 ha (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Dự án có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ. Tháng 11.2011 dự án tạm ngừng hoạt động khi thi công được 80% công trình. Tổng nợ phải trả đến hết tháng 12.2016 của dự án này gần 830 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ chủ trì cuộc họp về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành công thương. (Ảnh: VGP/Thành Chung)
Song những tín hiệu tích cực đã trở lại khi tại cuộc họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương, diễn ra vào ngày 21.9.2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) đã được BIDV và 7 ngân hàng đồng tài trợ gia hạn thời gian trả nợ từ 210 tháng lên 234 tháng...
Ngổn ngang ngày về “Siêu ủy ban” của PVN
Trong Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV, dù Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được nhắc tới như một điểm sáng khi trong giai đoạn này vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với EVN, TKV, Vinachem, PVN được Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV nhắc tới khi là một trong số các DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Đồng thời, xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Đồng thời, PVN cũng vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh khi đầu tư vào Ngân hàng Đại dương Oceanbank bị mất 800 tỷ đồng. Sự việc này được Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV đánh giá là vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của DNNN.
Trong giai đoạn này, ở PVN, Vinachem và TĐ Sông Đà còn xảy ra trường hợp trường hợp chậm nộp tiền cổ phần hoá để chiếm dụng vốn; sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp còn sai mục đích.
Dù theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 284.500 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch 6 tháng. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 6 tháng đạt 52.800 tỷ đồng, vượt 49% so với kế hoạch 6 tháng.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ còn việc xử lý tranh chấp phát sinh với nhà thầu (Công ty xây dựng Hyundai Hàn Quốc) và hoàn thành công tác thanh quyết toán dự án.
Song lãnh đạo PVN và sắp tới là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sau khi tiếp nhận chuyển giao PVN sẽ có rất nhiều việc phải làm với 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ.
Bởi trong cuộc họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương, diễn ra vào ngày 21.9.2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước có 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành là khởi động, vận hành lại nhà máy (do giá sắn đang tăng trong khi đã chuẩn bị để chạy máy); xây dựng phương án chuyển nhượng hoặc thoái vốn của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) khỏi dự án; tiến hành đàm phán với đối tác để thực hiện chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn của PVOil khỏi dự án.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi còn 2 nhiệm vụ quá hạn là khởi động lại nhà máy (do giá sắn đang cao chưa chạy được máy) và xử lý tranh chấp, quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán dự án.
Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ còn 2 nhiệm vụ là xây dựng phương án thoái vốn và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác hoặc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, thoái vốn khỏi dự án; phối hợp với các cổ đông khác tiến hành giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu PVC để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu đã thực hiện dự án.
Đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Công ty DQS) còn việc Kiểm toán Nhà nước kiểm toán công ty này, làm cở sở để triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu; tìm kiếm, thảo luận với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty DQS; quyết toán chuyển giao công nợ tàu 104.000 DWT.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ còn việc xử lý tranh chấp phát sinh với nhà thầu (Công ty xây dựng Hyundai Hàn Quốc) và hoàn thành công tác thanh quyết toán dự án.
Gánh nặng nợ nần tại PVC thời hậu Trịnh Xuân Thanh
Sau thời gian dài dưới sự lãnh đạo của Trịnh Xuân Thanh, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - Công ty con của PVN, vẫn chưa thể hồi phục.
Tiếp nối những con số lợi nhuận khiêm tốn trong 3 năm 2014, 2015, 2016. Đến năm 2017, các thành quả đều bị xóa sạch với mức lỗ sau thuế hơn 416,3 tỷ đồng.
Sau thời gian dài dưới sự lãnh đạo của Trịnh Xuân Thanh, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - Công ty con của PVN, vẫn chưa thể hồi phục. (Ảnh: I.T)
Tại buổi họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo PVC đã bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2018. Còn trong báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét năm 2018, dư nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC đã tăng tới 856 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thời điểm cuối năm 2017, lên 1.151 tỷ đồng. Lỗ lũy kế không ngừng tăng lên, đến nay đã là 3.449 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30.6.2018, PVC ghi nhận 9.649 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, hơn 96% là nợ ngắn hạn. Lỗ trong kỳ gần 62 tỷ đồng, tăng khoảng 18 tỷ đồng so với báo cáo do PVC tự lập. Tổng lỗ lũy kế đến hết quý II.2018 lên đến 3.437 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 2.330 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 4.000 tỷ đồng.
Tất cả những vấn đề này của PVN, sau khi được chuyển giao về "siêu uỷ ban" quản lý 1,5 triệu tỷ, ông Nguyễn Hoàng Anh sẽ phải có trách nhiệm giải quyết để tập đoàn này trở về quỹ đạo ban đầu.