Nghiên cứu của các doanh nghiệp cũng cho thấy, chi tiêu cho ngành hàng thực phẩm dù không tăng nhiều nhưng người tiêu dùng Việt sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm liên quan tới sữa, thức uống dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm chất lượng cao…
Bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho biết cùng với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, đã có những bước chuyển trong ngành hàng thực phẩm ở thị trường Việt Nam trong những năm gần đây.
Đáng chú ý, trong khi người tiêu dùng (NTD) chi tiêu ngày càng nhiều cho các dịch vụ, nhóm hàng như công nghệ thông tin, điện máy (điện thoại, máy tính, bảo hiểm sức khỏe…) thì ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam lại tăng trưởng chậm và có phần chững lại. Sức tiêu thụ đối với các mặt hàng thực phẩm đóng gói có xu hướng giảm, trong khi trước đó, nhóm hàng này từng có tốc độ tăng nhanh.
NTD Việt Nam có xu hướng ngày càng chuộng các sản phẩm thực phẩm có vị truyền thống, an toàn cho sức khỏe. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Theo bà Hạnh, hiện một số ngành hàng còn duy trì tăng trưởng tốt, như: xúc xích tiệt trùng, snack và sợi ăn liền (mì, phở, bún, miến..). Riêng các nhóm thực phẩm liên quan tới sữa, thức uống dinh dưỡng, thức uống lúa mạch… có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng trong thời gian dài sắp tới.
So với thị trường những nước khác như Nhật Bản, Singapore… ngành hàng thực phẩm ở Việt Nam có tốc độ thành công nhanh. Dẫu vậy, “sự biến mất” của nhiều đơn vị từng thành công trên thị trường lại cũng diễn ra rất nhanh chóng. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục làm mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Các thực phẩm như thịt, thủy hải sản, rau củ quả, trà, cà phê,…mới ra mắt đòi hỏi phải mới lạ nhưng vẫn phải đảm bảo giá trị cốt lõi dành cho người tiêu dùng. Ba yếu tố quan trọng là sự độc đáo, tính tương quan và sự kiên trì. Ngoài tạo ra sản phẩm mới, áp dụng công nghệ cao đảm bảo tính ưu việt của sản phẩm, thì việc kết hợp với các hệ thống phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường đóng vai trò quan trọng”, bà Hạnh nhận định.
Cũng theo nghiên cứu của Nielsen, dù chi tiêu cho thực phẩm không nhiều nhưng người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có ý thức về sức khỏe và chủ động để bảo đảm sức khỏe của mình. Xu hướng, thị hiếu của NTD là chuộng các sản phẩm bổ sung dưỡng chất (canxi, vitamin, vi chất…), đồng thời trở về với sản phẩm thuần chất tự nhiên, nguyên bản, (sản phẩm từ thiên nhiên, không hóa chất…).
Thức uống từ nông sản, nguồn gốc thiên nhiên... cũng "được lòng" nhiều người. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhà sản xuất. Trong đó, 75% người tiêu dùng quan tâm thông tin minh bạch về công ty, sản phẩm. Đây là điều kiện để nhiều doanh nghiệp VN áp dụng mã code, mã vạch giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn.
“Có 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ, 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng… Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất đang ngày càng nỗ lực hơn trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe”, bà Hạnh thông tin.
Chuyên gia thị trường Nguyễn Duy Long cũng cho rằng, xu hướng tiêu dùng nổi bật tại châu Á – Thái Bình Dương nói chung và cả Việt Nam nói riêng là người tiêu dùng thích quay lại với các sản phẩm truyền thống. Phần vì an toàn cho sức khỏe, phần vì gợi tính hoài niệm. Trên thực tế, nhiều nhãn hàng nêu bật “hương vị truyền thống” đã có sức tăng trưởng mạnh.
Tận dụng xu hướng này, người Thái khai thác các sản phẩm truyền thống như các sản phẩm cà ri và kết hợp yếu tố organic. Họ chế biến thành các sản phẩm tiện dụng, dùng liền để các bà nội trợ không mất nhiều thời gian chế biến.
Hay như nhiều doanh nghiệp chế biến nước uống thảo dược từ hoa sen, hoa cúc… và đầu tư mạnh vào các sản phẩm liên quan tới sữa hạt, có nguồn gốc từ thực vật để thay thế sữa bò, dựa vào xu thế ưa chuộng đạm thực vật thay đạm động vật. Các sản phẩm như nước uống kết hợp nhiều loại hạt, rau củ, snack từ dừa, snack bông cải xanh, yaourt từ nước cốt dừa hoàn toàn không có sữa bò và có các hoạt chất lợi khuẩn… cũng là những mặt hàng ngày càng được ưa chuộng.
NTD cũng quan tâm nhiều hơn đến nhà sản xuất, các thành phần có trong sản phẩm....
Tại hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa tổ chức, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, cho rằng nhận biết được xu hướng tiêu dùng của từng thị trường là điểm then chốt giúp nhà sản xuất tiến gần hơn với thành công.
Ông ví dụ như chuyện đưa trái chuối Việt Nam sang Nhật. Để đi đến hợp tác làm việc, người Nhật 5 – 6 lần tới trang trại của ông để tìm hiểu rồi mới quyết định mua hàng, mỗi lần họ đi 5 – 6 người, quan sát tất cả các ngóc ngách của vấn đề, quy trình sản xuất, chế biến bảo quản... tại trang trại.
“Tôi biết người Nhật kỹ tính nên tôi làm gì thì tôi ghi chép lại rất tỉ mỉ, tôi làm theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn công nhân làm thật chứ không được gian dối. Sự chân thật thì đi vào lòng người”, ông Huy chia sẻ.
Ông Huy cho rằng, làm việc với người Nhật luôn luôn nhận được phản hồi, họ chỉ rõ điểm thiếu sót của doanh nghiệp và yêu cầu rõ thời gian phải hoàn thiện sản phẩm. Qua đó, doanh nghiệp ông dần hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu của đối tác.
“Thị hiếu tiêu dùng liên tục thay đổi nhưng cũng sẽ hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người sử dụng. Do đó, người sản xuất phải làm sao thay đổi hành vi, sản phẩm phải có tiêu chuẩn ổn định… Như tại trang trại của tôi, có sản phẩm thịt bò, bưởi da xanh, chuối… tất cả đều được bón bằng 100% phân hữu cơ. Tôi vẫn xài một số thuốc BVTV nhưng đảm bảo thời gian cách ly đúng quy định và có lợi cho người tiêu dùng nên được thị trường chấp nhận”, ông Huy cho biết.