Dự án Gang thép Thái Nguyên hiện nằm trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương (Ảnh minh họa)
Tại một buổi tọa đàm về Nâng hiệu quả DNNN do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức cách đây ít ngày, khi đề cập tới tình hình 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết với trường hợp Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng đã sẵn sàng mua thép Thái Nguyên, chỉ cần được tính đúng tính đủ, công khai minh bạch, sẵn sàng tham gia đấu giá cũng như mua nếu trúng giá đấu.
Song không chỉ riêng Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát có kế hoạch mua cổ phần của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco), mã chứng khoán: TIS. Bởi Công ty CP Thái Hưng, doanh nghiệp hiện sở hữu 20% cổ phần tại Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên cũng đang tính tới việc đưa người vào HĐQT của doanh nghiệp này.
Hé lộ vai trò của Thái Hưng tại Gang thép Thái Nguyên
Vốn điều lệ của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (TIS) từng đạt 2.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2017, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã rút toàn bộ vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng khỏi dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nên vốn Gang Thép Thái Nguyên chỉ còn 1.840 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thái Hưng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên từ 29.6.2017 (Ảnh: Công ty CP Thái Hưng)
Lúc này, cơ cấu cổ đông của Gang Thép Thái Nguyên chỉ còn 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), mã chứng khoán: TVN, nắm 65% cổ phần, Công ty CP Thái Hưng nắm 20% cổ phần.
Mặc dù chỉ nắm 20% vốn nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thái Hưng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên từ 29.6.2017. Ngoài ra, Công ty Thái Hưng có một thành viên khác trong thành phần Ban Kiểm soát của Gang Thép Thái Nguyên từ 1.7.2017 là ông Bùi Quang Hưng, vốn là kế toán của Thái Hưng.
Hiện Gang Thép Thái Nguyên đang triển khai dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.105 tỷ đồng.
Dự án này triển khai từ năm 2007 nhưng đến nay, các hạng mục chính vẫn chưa hoàn thành. Đến thời điểm 20.6.2018, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 4.964 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.755 tỷ đồng. Dự án này cũng nằm trong đề án xử lý các tồn tại yếu kém của các dự án thuộc ngành Công Thương đã được Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, Gang Thép Thái Nguyên đang tiến hành xây dựng chi tiết phương án phát hành thêm tối đa 2.000 tỷ đồng để tăng vốn nhằm tiếp tục thực hiện dự án này. VNSteel cũng đang xây dựng phương án thoái vốn tại Gang Thép Thái Nguyên để trình Bộ Công Thương.
Trong bối cảnh đó, khi Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long có ý định mua dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, liệu Thái Hưng sẽ có động thái gì tiếp theo khi Chủ tịch HĐQT Gang Thép Thái Nguyên cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Thái Hưng?
So găng Thái Hưng - Hòa Phát
Theo giới thiệu trên website: www.thaihung.com.vn, Công ty CP Thương mại Thái Hưng tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng được thành lập vào tháng 5.1993.
Sau 10 năm hoạt động, năm 2003, Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng chính thức chuyển đổi thành mô hình Công ty cổ phần như ngày nay. Vốn điều lệ hiện tại là 1.000 tỷ đồng.
Thái Hưng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính là sản xuất (phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng), kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản) và dịch vụ (vận tải, khách sạn, nhà hàng...).
Công ty CP Thương mại Thái Hưng tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng được thành lập vào tháng 5.1993. (Ảnh: Công ty CP Thái Hưng)
Những người có công gây dựng nên Công ty CP Thái Hưng là vợ chồng bà Nguyễn Thị Cải, ông Nguyễn Quốc Thái. Trong quá khứ, ông Nguyễn Quốc Thái từng là Chủ tịch HĐQT Thái Hưng, còn bà Nguyễn Thị Cải từng là Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Thái Hưng. Riêng bà Cải được biết đến là người “đàn bà thép” có khả năng làm khuynh đảo thị trường “đất thép” Thái Nguyên.
Đến năm 2015, quyền lực tại Thái Hưng được chuyển giao cho những người con là ông Nguyễn Văn Tuấn đảm nhận Chủ tịch HĐQT. Còn ông Thái và bà Cải trở thành thành viên sáng lập.
Theo thông tin từ chính doanh nghiệp này, Thái Hưng đang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ, công ty con. Hiện tại Công ty có 6 Phòng, Ban nghiệp vụ và 11 công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện trực thuộc. Tổng số lao động hơn 500 người. Doanh thu hàng năm đạt khoảng từ 15.000 đến 18.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 450 đến 650 tỷ đồng mỗi năm.
Công ty đã tạo dựng được mối quan hệ tin cậy, thủy chung với gần 1.000 đối tác khách hàng trong cả nước.
Bà Nguyễn Thị Cải cùng chồng là ông Nguyễn Quốc Thái là người có Công gây dựng công ty Thái Hưng (Ảnh: Công ty CP Thái Hưng)
Tính đến hết tháng 8.2018, Công ty CP Thương mại Thái Hưng đã tiêu thụ 474.681 tấn thép cán các loại; tổng doanh thu toàn hệ thống đạt 15.230 tỷ đồng, bằng gần 90% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 278 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2017; bảo đảm việc làm cho gần 500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng.
Cùng trải qua quá trình hơn 20 năm hình thành và phát triển, song so với Công ty CP Tập Đoàn Hòa Phát, hiện quy mô và doanh thu của Công ty CP Thái Hưng thấp hơn khá nhiều.
Bởi chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã đạt 27.595 tỷ đồng doanh thu và 4.425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 30% và 27% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, tính riêng quý II. 2018, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đạt 14.430 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 34% và 43% so với cùng kỳ năm trước.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, nhóm ngành thép duy trì sản lượng bán hàng ở mức cao, ổn định chính là động lực tăng trưởng của HPG thời gian qua.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Thị phần thép Hòa Phát duy trì ở mức 22,2%. Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ chính, theo hướng tăng dần sản lượng khu vực phía Nam trong cơ cấu sản lượng bán hàng.
Sau 6 tháng, tổng cộng đã có 116.000 tấn thép cuộn rút dây của Hòa Phát được tiêu thụ, trong đó có 58.000 tấn xuất khẩu đi các thị trường Úc, Nhật Bản, Malaysia, Philipines, chiếm hơn nửa sản lượng xuất khẩu của thép Hòa Phát ra thị trường quốc tế.
Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cho ra thị trường 314.200 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng tới trên 60%, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 triệu USD. Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát đã quyết định đầu tư thêm dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại lên đến 325mm, dự kiến chính thức ra sản phẩm mới vào đầu năm 2019. Được biết, đây là dự án sản xuất ống thép cỡ đại đầu tiên và duy nhất tại khu vực phía Bắc.